Cú hích lớn cho thương mại biên giới Việt - Trung trên địa bàn Quảng Ninh
Với những động thái tích cực của cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động thương mại biên giới qua địa bàn Quảng Ninh đang được kỳ vọng sẽ có nhiều bước phát triển đột phá.
Móng Cái đã và đang là địa bàn hoạt động thương mại biên giới sôi động nhất của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và toàn tuyến biên giới Việt - Trung, khi có lợi thế là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Tính đến hết ngày 3/12, tổng lượng hàng hóa XNK năm 2023 qua cửa khẩu Móng Cái đạt hơn 1,4 triệu tấn (tăng hơn 73% so với cùng kỳ năm 2022), có thêm hơn 500 DN đưa hàng hoá về làm thủ tục hải quan. Giai đoạn 2010-2023, tổng giá trị hàng hoá XNK đạt trên 45 tỷ USD, bình quân tăng 22,5%/năm.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái nhấn mạnh, từ nền tảng truyền thống đoàn kết, hữu nghị sâu sắc giữa hai nước, Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng, Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) liên tục tăng cường giao lưu hữu nghị, thường xuyên trao đổi, hội đàm, thống nhất các giải pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên. Những năm gần đây, việc hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như Đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, nâng cấp hạ tầng khu vực cửa khẩu… đã giúp Móng Cái tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò cầu nối quan trọng.
“Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác đã hoàn thành tuyến kết nối Hai hành lang Một vành đai từ Trung Quốc, Đông Hưng - Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo sự liên kết vùng để phát huy các thế mạnh của khu vực cửa khẩu Móng Cái. Thành phố cũng đang tập trung mở rộng, hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu Bắc Luân II và khu vực cảng cạn ICD lối mở Km 3+4. Mục tiêu tăng cường hợp tác hai thành phố Móng Cái và Đông Hưng trên tinh thần hòa bình, hữu nghị hợp tác thiết thực cùng phát triển, tạo ra các lợi ích cho DN và nhân dân”, ông Hồ Quang Huy cho biết.
Đặc biệt, dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024 được kỳ vọng sẽ là “cú hích” lớn thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu theo đường biển, không chỉ giúp trung chuyển hàng nông, thuỷ sản từ miền Nam ra phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc mà sẽ là “cửa ngõ” trung chuyển cho khu vực ASEAN với Trung Quốc, Đông Bắc Á… Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng trung tâm giao dịch hàng hóa, dịch vụ thương mại đang được khẩn trương đầu tư.
Ông Lương Xuân Đào, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Đạt - đơn vị quản lý cảng cạn ICD Thành Đạt vừa ký thoả thuận với Tập đoàn kiểm nghiệm và chứng nhận Trung Quốc, chi nhánh Đông Hưng hợp tác lắp đặt phòng lab tại khu vực cầu phao phía Việt Nam cho biết, đơn vị định hướng mở rộng thêm khu bến bãi ICD theo đề án của Bộ NN&PTNT, thành lập Trung tâm giao dịch hoa quả nông sản, gồm có khu vực bao gói, kho bảo quản, bến bãi, khu dịch vụ… để giúp logistics phát triển.
TP Móng Cái cũng là “hạt nhân” của Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, là 1 trong 8 KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia được Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển. Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái khẳng định, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu phát triển, thành phố xác định nhiệm vụ thực hiện hiệu quả các quy hoạch chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thông quan hàng hoá song phương, đặc biệt là thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại, xúc tiến thương mại…
“Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng, ngay cả phía Trung Quốc cũng xác định Móng Cái – Đông Hưng sẽ là điểm cầu nối để xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Phía Trung Quốc cũng chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chiến lược phát triển ở Khu khai phát thí điểm của Đông Hưng. Móng Cái đã chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch, chiến lược, quỹ đất. 2 bên cùng thống nhất để xây dựng hạ tầng cửa khẩu, đặc biệt là hạ tầng Cửa khẩu số thông minh để phục vụ hoạt động XNK, xuất nhập cảnh qua biên giới”, ông Nam thông tin.
Ngày 30/6/2023, Thành uỷ Móng Cái và Thành uỷ Đông Hưng đã ký kết Bản thoả thuận về thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị, tiếp tục mục tiêu trở thành hình mẫu về quan hệ hợp tác song phương khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi và góp phần giữ ổn định hoạt động kinh tế biên mậu. Nhiều DN hai bên cũng đã ký kết thành công 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy hợp tác sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thương mại, logictics, nông nghiệp công nghệ cao… Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để góp phần nâng cao kim ngạch XNK hàng hóa, thúc đẩy kinh tế biên mậu giữa Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) trong những năm tiếp theo.
Theo Trường Giang