Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khối ngoại bán ròng có đáng lo?

Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 90% tổng giao dịch chứng khoán nhưng việc nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng cổ phiếu tác động đáng kể tới thị trường.

Tuần giao dịch từ ngày 4 đến 8-12, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước duy trì trạng thái đi ngang. Các nhóm cổ phiếu thay nhau nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index duy trì trên ngưỡng 1.100 điểm bất chấp áp lực bán liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tác động tâm lý nhà đầu tư cá nhân

VN-Index chốt tuần giao dịch vừa qua ở mức 1.124,44 điểm, tăng 2,02% so với cuối tuần trước; HNX-Index ghi nhận mức tăng 2,18% lên 231,2 điểm và Upcom-Index tăng nhẹ 0,6% để chốt tại 85,71 điểm. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tăng mạnh 60% so với tuần trước, đạt 24.237 tỉ đồng/phiên.

Dù vậy, thị trường tiếp tục chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lượng cổ phiếu có tổng giá trị 4.057 tỉ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, riêng sàn HoSE, khối này đã bán ròng 3.954 tỉ đồng (+461% so với tuần trước). Đáng nói là dù chưa hết nửa đầu tháng 12 nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HoSE đã xấp xỉ 4.300 tỉ đồng, vượt giá trị bán ròng trong 2 tháng 10 và 11.

Còn nếu tính từ đầu năm 2023 đến hết phiên 8-12, giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên sàn HoSE lên tới 19.126 tỉ đồng, vượt giá trị bán ròng của năm 2020 (-15.741 tỉ đồng). Anh Khánh Minh, một nhà đầu tư ở TP HCM có 3 năm tham gia thị trường, cho hay từ đợt giảm mạnh hồi tháng 9 và 10 đến nay, anh vẫn chưa dám tham gia mua bán lại vì thấy thị trường phục hồi chưa bền vững và khối ngoại liên tục bán ròng. "Nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng đầu tư dài hạn nhưng gần đây họ liên tục bán ra chứng tỏ có gì đó không ổn hoặc họ giảm kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Tôi thuộc trường phái đầu tư dài hạn nhưng thấy khối ngoại bán ròng ồ ạt và nhắm vào nhóm cổ phiếu lớn nên cũng thấy hơi lo" - anh Minh nói.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng khối ngoại bán ròng liên tiếp gần đây có thể là động thái chốt lời cuối năm và sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Dù tỉ trọng giao dịch trên thị trường của khối này không lớn nhưng có tác động không nhỏ tới tâm lý chung. Quan sát thị trường thời gian gần đây cho thấy nhiều nhà đầu tư cá nhân bị dao động tâm lý, không dám mua vào nhưng khi thấy khối ngoại bán ròng cũng lo sợ bán theo tạo áp lực bán trên thị trường tăng cao.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho hay các nhà đầu tư ngoại đang có chiều hướng rút bớt tiền khỏi các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam và dịch chuyển về các nước châu Âu, Mỹ. Xu hướng này tác động tới chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn, khi nhà đầu tư cá nhân nhìn khối ngoại để hành xử. VN-Index, vì vậy, cũng rất khó tăng cao. "Khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam có thể được lý giải do mức sinh lời không hấp dẫn bằng các thị trường khác như Mỹ, châu Âu. Tâm lý lo ngại nhà đầu tư ngoại bán ròng chỉ được giải tỏa khi thị trường bật tăng dứt khoát hơn. Còn hiện tại, VN-Index đang trong vùng tích lũy, nhà đầu tư dè dặt nên khối ngoại bán ròng mạnh sẽ tác động tiêu cực tới thị trường" - ông Thế Minh nói.

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang được xem là động lực chính giúp ngăn đà rơi của thị trường trước áp lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoàiẢnh: Hoàng Triều

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang được xem là động lực chính giúp ngăn đà rơi của thị trường trước áp lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoàiẢnh: Hoàng Triều

Khó có đột phá

Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), dù gặp áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại nhưng dòng tiền nội hiện khá mạnh. Nhà đầu tư trong nước hấp thụ hết lượng cung của khối này và giữ vững cho VN-Index duy trì ở vùng giá tích cực. Riêng phiên ngày 5-12, dù khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỉ đồng nhưng đà giảm thu hẹp vào cuối phiên khi dòng tiền nội nhận thấy VN-Index và nhiều mã cổ phiếu rớt xuống mức hấp dẫn nên đua nhau mua vào.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Thế Minh cho biết khối ngoại bán ròng nhưng không hẳn là rút vốn toàn bộ mà mang tính cơ cấu danh mục nhiều hơn. Họ bán ra những cổ phiếu chưa hiệu quả và mua lại những mã khác tiềm năng hơn cho năm 2024.

Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, phân tích khối ngoại bán ròng một phần do lợi nhuận quý III của các công ty trên sàn còn thấp, mặt bằng giá các cổ phiếu không còn rẻ như kỳ vọng và vẫn gom mạnh cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn tốt.

Về xu hướng thị trường từ nay tới cuối năm, các công ty chứng khoán cho rằng VN-Index sẽ đi ngang, tích lũy trước khi bứt phá lên các mốc cao mới. Theo ông Đinh Quang Hinh, điểm sáng của thị trường hiện nay là sự cải thiện của dòng tiền nội khi Ngân hàng Nhà nước bơm trả toàn bộ lượng tiền đã rút ròng khỏi hệ thống trước đó (đáo hạn hết lượng tín phiếu đã phát hành). Chính phủ vẫn ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế nên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách này.

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu đẩy mạnh hơn tín dụng nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế, xem xét gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ và giảm hơn nữa mặt bằng lãi suất cho vay. "Những chính sách này nếu được thực hiện quyết liệt sẽ góp phần cải thiện bức tranh tín dụng và tăng trưởng của nền kinh tế, qua đó tác động tích cực tới thị trường chứng khoán" - ông Hinh nói.

Đề cập thêm về yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán, ông Trương Hiền Phương cũng nói rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khả năng có sự đảo chiều chính sách từ tăng lãi suất sang giảm lãi suất ở nửa đầu năm 2024. Khi đó, sức hấp dẫn đồng USD không còn nhiều như trước, dòng tiền ngoại sẽ có khuynh hướng tìm tới các thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam. "Đặc thù kết quả kinh doanh quý IV thường tốt, các chính sách đầu tư công được đẩy mạnh, chính sách điều hành tiền tệ, tỉ giá ổn định… giúp nhà đầu tư yên tâm giải ngân. Hiện Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành về việc sớm nâng hạng thị trường chứng khoán. Việc này mở ra cơ hội lớn cho thị trường với sự tham gia của các quỹ, nhà đầu tư quy mô lớn" - ông Phương nói. 

Khối ngoại bán ròng tập trung vài cổ phiếu

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank (MSVN), phân tích nếu loại trừ phiên giao dịch bán ròng đột biến ngày 5-12, trong khoảng 1 tháng qua, giá trị bán ròng của khối ngoại tuy lớn nhưng chủ yếu tập trung ở một số mã cá biệt như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), VPBank (VPB), Thế Giới Di Động (MWG)... thì khối ngoại không bán ròng quá mức. "Các quỹ đang cơ cấu lại danh mục cho giai đoạn cuối năm, tiền không đi đâu nhiều mà chờ đợi cơ cấu cho chiến lược của họ" - ông Lâm nói.

Theo Thái Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...