Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc lên tiếng về "bức ảnh đoàn xe chở vũ khí đi về phía Nga" gây xôn xao dư luận

Thực hư về bức ảnh đoàn xe quân đội Trung Quốc đi về biên giới Nga trong đêm tối đã được giải đáp khi Bắc Kinh khẳng định, đây hoàn toàn là ảnh giả chỉnh sửa từ ảnh cũ trước đó.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin, Bắc Kinh ngày 19/3 đã lên tiếng phủ nhận những tin đồn trên mạng xã hội về "đoàn xe quân đội Trung Quốc đi về biên giới Nga", và cho rằng, những tin này được đưa ra là nhằm mục đích bóp méo quan điểm của Bắc Kinh về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong số những tin giả mà Trung Quốc bác bỏ gồm bức ảnh được cho là đoàn xe quân sự Trung Quốc trên đường tiến tới biên giới Nga và cả lời cam kết sẽ bảo vệ Ukraine khỏi cuộc tấn công hạt nhân.

Thực hư thế nào?

Trong một tuyên bố hôm 18/3, Cục quản lý an ninh mạng của Trung Quốc (CAC) cho biết có nhiều báo cáo tin tức giả mạo trên mạng xã hội chuyên xuyên tạc quan điểm và làm mất uy tín của Trung Quốc về tình hình chiến sự ở Ukraine.

Trong đó có một bức ảnh chụp một đoàn xe quân sự chất đầy vũ khí thiết bị quân sự nối đuôi nhau đi trong đêm được lan truyền trên Twitter, làm dấy lên đồn đoán rằng, Trung Quốc đang hỗ trợ quân sự cho Nga.

 

Nhưng sự thật lại không phải vậy.

Đây chỉ là một bức ảnh đã được cắt ghép và chỉnh sửa lại từ một bức ảnh cũ được chụp từ tháng 5/2021, CAC khẳng định.

Trước đó, hình ảnh này được một tài khoản đăng trên Twitter và cho biết, bức ảnh này là hình ảnh ghi lại cảnh 200-300 xe của của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đang di chuyển về phía biên giới Nga.

Bức ảnh được một tài xế địa phương chụp lại vào ngày 14/3 ở tỉnh Hắc Long Giang, gần Tuy Phân Hà, một thị trấn gần biên giới với Nga.

Theo CAC, bức ảnh chính gốc là ảnh do quân đội Trung Quốc chụp khi tiến hành đợt huấn luyện vận chuyển trong đêm của trung đoàn PLA ở khu vực phía tây Tân Cương vào năm ngoái.

Hình ảnh này được đăng lần đầu trên nhật báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc vào ngày 10/5/2021.

Trong khi đó, bức ảnh được đăng trên Twitter đã bị cắt bỏ phần trên của bức ảnh, khiến nó không giống một hình ảnh được phát hành chính thức mà là giống một bức ảnh được chụp nghiệp dư hơn, theo CAC.

Trung Quốc lên tiếng về bức ảnh đoàn xe chở vũ khí đi về phía Nga gây xôn xao dư luận - Ảnh 2.

Nhiều tin giả về xung đột quân sự Nga-Ukraine đã xuất hiện trên mạng xã hội trong những ngày gần đây

Mối lo tin giả lan tràn

Truyền thông Mỹ những ngày trước đó đã tuyên bố trích dẫn các nguồn tin chính thức của chính phủ khi đưa tin cho biết, Nga đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ quân sự, bao gồm cả máy bay không người lái.

Tuy nhiên, cả chính phủ Trung Quốc và Nga đều bác bỏ thông tin này.

Hôm 14/3, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Rome, Italy trong một không khí rất căng thẳng.

Thậm chí, trước cuộc gặp đó, ông Sullivan cho biết có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc hỗ trợ Nga.

Sau cuộc gặp, CAC tuyên bố: "Như ông Dương đã nhấn mạnh, Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành động tung tin giả để xuyên tạc và bôi nhọ quan điểm của Trung Quốc".

"Các phương tiện truyền thông phương Tây rõ ràng đã chọn một phe của mình và đang truyền bá những thông tin và luận điệu được chọn lọc về vấn đề này với những lời nói dối trá tràn lan", CAC nhấn mạnh.

CAC cũng nhấn mạnh thông tin đang được lan truyền rộng rãi cho rằng chính phủ Trung Quốc vào năm 2013 đã cam kết "bảo vệ Ukraine bằng hạt nhân" cũng hoàn toàn là tin giả.

"Cam kết đưa ra trong quá trình phi hạt nhân hóa Ukraine năm 2013 chỉ là nhắc lại nguyên tắc ‘không sử dụng vũ khí hạt nhân trước’ lâu nay của Trung Quốc", CAC tuyên bố.

Theo cục này, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân thay mặt cho Ukraine và cũng chưa bao giờ hứa mang một ‘chiếc ô hạt nhân’ cho Ukraine.

Truyền thông phương Tây tìm cách trục lợi từ sự nhầm lẫn này để miêu tả Trung Quốc như một bên trung gian không đáng tin cậy khi từ chối can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác.

Trên thực tế, năm 1994, Bắc Kinh đã đưa ra một "đảm bảo an ninh" với Ukraine trong đó nói rằng chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" của họ "áp dụng cho Ukraine". Trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Ukraine năm 2013, Trung Quốc đã nhắc lại tuyên bố năm 1994.

Tại cuộc họp với Thống đốc Lviv Maxim Kozytsky hôm 14/3, Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Fan Xianrong khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công nước này.

"Với cương vị đại sứ, tôi có thể nói một cách có trách nhiệm rằng Trung Quốc sẽ mãi mãi là một người bạn tốt cho Ukraine cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế", chính quyền vùng Lviv đưa ra thông báo về tuyên bố của ông Fan.

"Chúng tôi sẽ luôn tôn trọng Ukraine, chúng tôi sẽ phát triển các mối quan hệ dựa trên lợi ích đôi bên và sự công bằng. Chúng tôi sẽ tôn trọng con đường người dân Ukraine lựa chọn, bởi đó là quyền chủ quyền của mọi quốc gia".

Đại sứ quán Trung Quốc hiện vẫn chưa trả lời để xác minh tuyên bố này của chính quyền Lviv. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết