Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù già hóa dân số là hệ quả tất yếu của việc mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên, nếu không có ngay những chính sách thích ứng hiệu quả mang tầm quốc gia, thì những hệ luỵ của việc già hoá dân số là không thể lường hết được. Trên Diễn đàn Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XV vừa qua, đã có ý kiến về việc từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế, xem đây là vấn đề mang tính chất chiến lược.

“Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ, mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm” - đó là chia sẻ của ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) trước thực trạng “đổi màu” trên bản đồ dân số Việt Nam.

Theo Cục Dân số, hơn 60 năm qua, tỷ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh, từ mức rất cao là 3,9% (năm 1960) xuống còn 1,14% (2019) và 0,95% (năm 2021). Còn Tổng cục Thống kê dự báo, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Dự kiến, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Đến năm 2049, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 25% hoặc 65+ trên 20% tổng dân số, Việt Nam trở thành xã hội siêu già.

gia hoa dan so can ngay chinh sach thich ung hieu qua hinh 1

Còn ở phương án mức sinh thấp, 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm. Thậm chí, hồi năm 2023, Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo đến năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng số dân tỉnh Nghệ An hiện nay, nếu mức sinh tiếp tục giảm và nếu không duy trì được mức sinh thay thế và tiếp diễn mức sinh thấp, đến năm 2700, dân số Việt Nam sẽ chỉ còn vài chục nghìn người.

Nhìn rộng ra thế giới, giá hoá dân số chẳng phải là thực trạng của riêng Việt Nam, thậm chí đã là thực tế toàn cầu, là vấn đề mà rất nhiều quốc gia đang phải đau đầu đối mặt. Báo cáo Xã hội Thế giới của Liên Hiệp Quốc từng nhận định: “Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu rõ ràng của thời đại chúng ta và một trong số những thách thức chính đối với các quốc gia có dân số già là đảm bảo nền kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng của số lượng người già ngày càng tăng”. Còn nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng cảnh báo: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”.

Tuy nhiên, với Việt Nam, những ảnh hưởng của thực trạng già hoá dân số sẽ còn mạnh mẽ hơn rất nhiều quốc gia bởi như đã nói Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hoá dân số quá nhanh. Theo các chuyên gia, với thời gian “già hóa” quá ngắn, nền kinh tế còn đang phát triển, không những xã hội thiếu lao động mà còn nảy ra yêu cầu tăng hệ thống an sinh trong khi đó, Việt Nam chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già.

Cụ thể, như ý kiến của TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, ngoài việc làm suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân của quốc gia. Chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, vì vậy, với số lượng người già tăng lên, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với một áp lực lớn, chi tiêu công tăng để hỗ trợ người già không có nguồn thu nhập và các chương trình hỗ trợ khác.

Còn TS. Đoàn Hữu Bảy - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thì cho biết: “Các nghiên cứu về người cao tuổi cũng đã chỉ ra trong tương lai với tốc độ già hóa vào nhóm nhanh nhất thế giới thì trong tương lai, người cao tuổi Việt Nam cùng lúc đối mặt với khó khăn về nhà ở, chăm sóc y tế và an sinh xã hội. Hơn nữa khi tuổi thọ tăng lên thì đối với nhóm hưởng lương hưu cũng kéo dài hơn, tạo áp lực đối với hệ thống y tế và quỹ lương hưu”.

Dù vậy, cũng theo nhiều chuyên gia, già hóa dân số, ở một khía cạnh khác là minh chứng cho thành công về các thành tựu kinh tế, xã hội, y tế và kiểm soát bệnh tật. Thậm chí, như nhìn nhận của PGS.TS Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận già hóa dân số không chỉ ở mặt nguy cơ mà còn cần tiếp cận theo hướng sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho phát triển bền vững gắn liền với sự tham gia tích cực của người cao tuổi.

Vì thế, điều quan trọng nhất lúc này là cần có những chính sách thích ứng cấp bách, hiệu quả để thích ứng với già hoá dân số. Về vấn đề này, PGS-TS Lê Hải Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, từ việc dẫn số liệu của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB-XH, hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào thu nhập không cao và không thường xuyên, chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào con cháu… đã khuyến nghị, đây là một số đặc điểm cơ bản, quan trọng nên được xem xét khi xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam để bảo đảm công bằng cho tất cả các nhóm tuổi, hướng đến phát triển bền vững.

TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thì cho rằng, cần sớm hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội tích hợp, đa tầng và hiện đại, chủ động thích ứng với già hóa dân số nhanh. Theo đó, hoàn thiện thể chế, chính sách an sinh xã hội theo hướng chủ động, tích hợp, có sự điều phối và liên kết giữa các hợp phần bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và việc làm; hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi...

gia hoa dan so can ngay chinh sach thich ung hieu qua hinh 2

Tại phiên thảo luận chiều 4/11/2024 của kỳ họp thứ 8 mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ rõ cần chú trọng hai vấn đề lớn. Cụ thể, từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chất chiến lược.

Nói như Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng, cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quốc gia nào chủ động thích ứng, đi trước một bước về đổi mới tư duy, ban hành cơ chế, chính sách có tính mở đường, thì sẽ phát huy được tiềm năng nguồn lực người cao tuổi, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Vì thế, trong những bước phát triển đột phá phía trước của đất nước, không thể thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng với những chính sách thấu đáo, toàn diện mang tính thích ứng cao với hiện thực già hoá dân số. Có đầy đủ sự chuẩn bị, già hóa dân số có thể mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam trên hành trình phát triển mới trong kỷ nguyên mới.

Hà Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...