Chi tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy khoảng 170.000 tỷ
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, năm nay chi ngân sách sẽ tăng lên. Trong đó, chi trả tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy khoảng 170.000 tỷ đồng theo thống kê chưa đầy đủ.
Thông tin chi tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy khoảng 170.000 tỷ được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, sáng 23/4.
Chính phủ tính toán, giảm thuế VAT lần này, dự kiến ngân sách giảm thu khoảng 121.740 tỷ đồng trong nửa cuối 2025 và năm 2026 khi thực hiện giảm 2% thuế VAT. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng.
Chi ngân sách sẽ tăng lên nhưng “vẫn chịu đựng được”
Việc ngân sách dự kiến giảm thu 39.540 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay, cùng khoản chi mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác..., có ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, có thể ảnh hưởng tới đảm bảo dự toán thu, bội chi ngân sách năm nay, cũng như kế hoạch dự toán 2026.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp để đánh giá phát sinh thu chi để cân đối ngân sách.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, khi tinh giản bộ máy, phải chi trả tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi khoảng 170.000 tỷ đồng theo thống kê chưa đầy đủ. Ảnh: P.Thắng
Về nội dung này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, đã giao Bộ Tài chính tổng hợp và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.
Theo Phó Thủ tướng, năm nay chi ngân sách sẽ tăng lên. Vì khi tinh giản bộ máy, phải chi trả tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi khoảng 170.000 tỷ đồng theo thống kê chưa đầy đủ. Ngoài ra, còn khoảng 30.000 tỷ đồng giảm học phí, rồi thực hiện một số chính sách về BHYT.
Khẳng định năm nay “vẫn chịu đựng được”, ông Phớc cho biết, tháng 7 sẽ hướng dẫn lập dự toán 2026 và nhiệm kỳ sau; kế hoạch tài chính, nợ công nhiệm kỳ sau thì sẽ báo cáo đầy đủ dự báo về khả năng chi tiêu.
“Năm nay trả lương cho thôi việc, tinh giản bộ máy chúng ta đã sử dụng Quỹ tiền lương lâu nay tích lũy, đồng thời từ ngân sách. Nhưng sang năm chúng tôi sẽ báo cáo để cân đối chính sách thu, các sắc thuế để cân đối trong 5 năm tới và năm 2026”, Phó Thủ tướng nói.
Đề xuất giảm thuế VAT đến hết năm 2026
Trình bày tờ trình trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đề xuất mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng được giảm thuế VAT.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: P.Thắng
Theo đó, xăng dầu, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm hóa chất - kim loại đúc sẵn, than cốc, than (nhập khẩu, bán buôn ở khâu kinh doanh thương mại) chịu mức thuế suất 8%.
Thời gian giảm thuế áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Tương tự như các lần trước, các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... tiếp tục không được giảm thuế VAT.
Chính phủ cho rằng, việc giảm thuế này sẽ góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. “Giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh”, ông Tuấn nói.
Chính sách giảm thuế VAT về 8% được duy trì từ 2022 đến tháng 6/2025. Theo tờ trình của Chính phủ, giảm thuế VAT cùng các giải pháp hỗ trợ thuế, phí khác tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, kích cầu.
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn khó khăn, chi phí sản xuất cao, sức mua trong nước còn chậm, đặc biệt việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam, tổng cầu tiêu dùng trong nước là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vì thế, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới hết 2026, theo Chính phủ là cần thiết, tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong 2025-2026.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: P.Thắng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực ủy ban này đồng tình cần duy trì giảm thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Mãi, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang đối diện với nhiều khó khăn, kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước... việc tiếp tục ban hành chính sách này là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất giảm thuế VAT của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ông đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.