Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công an tham gia sâu rộng, hiệu quả vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Năm 1948, Liên hợp quốc đã lấy ngày 29/5 hằng năm là Ngày Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, để ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng này đối với hòa bình và an ninh thế giới. Bằng trái tim nhân ái của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, những sĩ quan Việt Nam đã dấn thân nơi hiểm nguy, trở thành sứ giả của hòa bình, lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, để góp phần làm dịu đi những nỗi đau của nhân loại.

Các sĩ quan Tổ công tác số 4 Bộ Công an tặng quà cho người dân ở trại tạm cư. Nguồn: BCA

Trong 77 năm qua, hơn 2 triệu sĩ quan, nhân viên đến từ 125 quốc gia đã tham gia phục vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó hơn 3.000 người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ vì nền hòa bình thế giới.

Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 2014, đến nay đã cử hơn một nghìn lượt cán bộ chiến sĩ đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ, với hình thức đơn vị và cá nhân tại các phái bộ.

Bắt đầu triển khai từ năm 2022, đến nay Bộ Công an Việt Nam đã cử 5 tổ công tác tham gia hoạt động GGHB LHQ tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình LHQ ở Hoa Kỳ, tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan, tại Phái bộ UNISFA ở khu vực Abyei.

Tới đây sẽ cử Tổ công tác số 6 sẽ đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi.

Tuy mới tham gia hoạt động này, nhưng Bộ Công an đã có những bước tiến nhanh, vững chắc; khẳng định sự lớn mạnh, tham gia sâu rộng, hiệu quả vào lực lượng GGHB của LHQ với trình độ chuyên môn không ngừng được nâng cao và chuẩn hóa theo các quy định của Liên hợp quốc.

Đoàn công tác Bộ Công an tặng quà tại Trung tâm trẻ mồ côi Sheikh Dafalla Quranic Academic Foundation Orphanage. Nguồn: BCA

Ông Shiek Juma Ali, Quản lý Trung tâm trẻ mồ côi Sheikh Dafalla Quranic Academic Foundation Orphanage, Cộng hòa Nam Sudan cho biết, "đây là lần đầu tiên có một đơn vị chính thức đến hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi biết rằng, sự hỗ trợ này sẽ giúp ích cho chúng tôi, khi hôm nay, chúng tôi đã thấy những cuốn sách, những cây bút chì, bút mực. Điều này có nghĩa là các bạn muốn tất cả những trẻ em ở đây đều được nhận chúng và trở thành những người có tri thức. Các bạn muốn giúp các em biết đọc, biết viết. Ngoài ra các bạn cũng hỗ trợ chúng tôi một số thực phẩm. Tôi nghĩ điều này cũng rất quan trọng vào thời điểm này ở Nam Sudan. Cảm ơn các bạn đã hỗ trợ chúng tôi.

Tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ, các sĩ quan Công an Nhân dân (CAND) Việt Nam không chỉ thực hiện các hoạt động bảo vệ thường dân, hỗ trợ thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ điều tra giám sát các nghi phạm về nhân quyền và nâng cao năng lực cho cảnh sát nước sở tại, mà còn tích cực hoạt động dân vận, hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ người yếu thế, bảo vệ môi trường.

Trung tá Trần Trọng Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1, Bộ Công an. Nguồn: BCA

Theo Trung tá Trần Trọng Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1, Bộ Công an, sứ mệnh của đơn vị là sẽ trực tiếp hỗ trợ người dân ở tại các địa bàn hội xung đột, cũng như là đem theo truyền thống của lực lượng CAND và dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, hỗ trợ bạn bè thế giới. Chính vì vậy ngay trong quá trình huấn luyện này thì chúng tôi ý thức rằng, làm sao để phối hợp chặt chẽ với chính quyền nước sở tại, chặt chẽ với địa phương để lan tỏa những giá trị nhân văn của lực lượng Cảnh sát GGHB. Và tới đây khi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ ở các phái bộ, thì đó cũng sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong việc chúng ta vừa tác nghiệp về mặt nghiệp vụ, vừa đồng thời mang đến những giá trị nhân văn của lực lượng CAND

Trung tá Chu Thị Hồng, sĩ quan Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1, Bộ Công an. Nguồn: BCA

Trung tá Chu Thị Hồng, sĩ quan Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1, Bộ Công an, chia sẻ, tham gia dọn dẹp vệ sinh ở Nghĩa trang liệt sĩ, tôi nhận nhận thấy có quá nhiều sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có góp phần của ông ngoại tôi là liệt sĩ chiến trường Campuchia năm 1968, tôi càng cảm thấy trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

Trong quá trình huấn luyện và trong hành trình thực hiện nhiệm vụ GGHB, dấu ấn mà các sĩ quan CAND để lại là thành tích xuất sắc và những nghĩa cử thiện nguyện cao đẹp xuất phát từ trái tim. Sự hiện diện của họ mang đến cho người dân niềm tin về cuộc sống hòa bình và thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó giữa lực lượng Cảnh sát GGHB Việt Nam với cộng đồng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...