Xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo tránh xung đột pháp luật
Những khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm cần xem xét xử lý theo đúng quy định về điều kiện thu giữ, quyền và lợi ích các bên; thứ tự ưu tiên thanh toán… tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi, vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Nội dung được nhiều cử tri quan tâm tại dự thảo Luật lần này là việc luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 như bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo công khai chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích các bên; thứ tự ưu tiên thanh toán…
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chỉ ra quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm cần phải được làm rõ về bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện. Trong đó nêu rõ vai trò của chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an tham gia vào việc thu giữ tài sản bảo đảm, tránh lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người đi vay.
“Dự thảo Luật cho phép các TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm, tức là thu giữ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an. Trong quan hệ dân sự giữa các tổ chức, giữa TCTD và khách hàng nếu không thuộc trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 quy định, có thể dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân, hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế”, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà Lưu ý.
Quy định điều kiện để TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu, thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm trong dự thảo Luật cũng được Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề cập. Theo dự thảo Luật, tài sản đảm bảo phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết, hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền. Tài sản đang không bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đang không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
“Hiện nay chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều này dẫn đến cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp, gây khó khăn khi áp dụng quy định. Cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các TCTD khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm, tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi, vướng mắc trong quá trình áp dụng”, Đại biểu Trần Nhật Minh nêu quan điểm.
Băn khoăn về chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không gắn với quyền sử dụng đất, Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, quy định tại dự thảo chưa giải quyết được tình huống đang xảy ra trong thực tế hiện nay. Khi tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất, nhưng người bảo đảm đang nợ tiền thuê hoặc tiền sử dụng đất và các khoản thu khác…thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm của TCTD hay không?
“Bên mua khoản nợ hoặc TCTD khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước. Dự thảo Luật nên quy định thêm, trong thời gian TCTD nhận tài sản bảo đảm, nhưng chưa xử lý phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật, không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng nếu có”, Đại biểu đề xuất.
Lo ngại thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo là một việc rất khó khăn, nhất là khi người có tài sản bảo đảm không hợp tác, Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá dẫn quy định việc thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm khi đủ các điều kiện. Trong đó điều kiện tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc “bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản”. Đây là một vấn đề rất khó khăn, vướng mắc.
“Nên quy định các Quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà không cần có thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp bên có tài sản bảo đảm không hợp tác, cần có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu giữ, bàn giao tài sản đảm bảo cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”, Đại biểu Mai Văn Hải đề xuất./.
Theo Nguyễn Quỳnh
VOV