Vốn FDI tập trung vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu
Nếu như trước đây, dòng vốn FDI đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế thông qua sản xuất quy mô lớn, xuất khẩu và tạo việc làm, thì hiện nay, giá trị của FDI đang chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, từ công xưởng giá rẻ sang trung tâm công nghệ cao.
Các lĩnh vực công nghệ cao thu hút dòng vốn FDI, ảnh: CTV
Hiện, giá trị đích thực của FDI thế hệ mới không nằm ở vốn đầu tư hay diện tích nhà xưởng, mà ở khả năng lan tỏa công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, FDI không chỉ là vốn mà là cầu nối tri thức, năng lực vận hành, quy chuẩn toàn cầu...và Việt Nam đang nhận được yếu tố "vàng" để định vị vị trí của mình trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, trong nửa đầu năm 2025, hàng loạt dự án FDI đăng ký và điều chỉnh vốn đều hướng tới các lĩnh vực bán dẫn, điện tử công nghệ cao, sản xuất vi mạch, pin năng lượng tái tạo, và đặc biệt là AI ứng dụng trong chuỗi cung ứng và logistics thông minh. Đây là xu hướng tương đồng với dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Nvidia, Siemens, Samsung, LG…
Theo nhận định của đại diện Bộ Tài chính, những dự án FDI trong nhóm ngành công nghệ cao chiếm mặc dù chiếm số lượng ít, nhưng lại chiếm tổng vốn đầu tư đăng ký mới khá lớn trong quý II/2025. Điều này cho thấy sự phân hóa rất rõ ràng: Nhà đầu tư không chọn Việt Nam vì giá nhân công rẻ, mà vì năng lực thích ứng, hạ tầng công nghệ, và tiềm năng phát triển nền kinh tế số. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, dòng vốn FDI chất lượng cao còn mang theo các trung tâm R&D, các tổ hợp sáng tạo tích hợp và chính sách chia sẻ dữ liệu - yếu tố vốn là "hệ sinh thái mềm" để tạo nên một nền công nghiệp hiện đại, tự chủ và bền vững.
Số liệu đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 826 dự án FDI điều chỉnh vốn với tổng giá trị lên đến 8,95 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ. Đây là một minh chứng rõ nét về niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh cũng như đà phát triển lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh đó, có 1.708 giao dịch góp vốn với tổng giá trị 3,28 tỷ USD, tăng 73,6% cho thấy xu hướng hợp tác sâu rộng hơn giữa đối tác nước ngoài và doanh nghiệp nội địa.
Có thể khẳng định, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đối diện với những bất ổn, suy giảm, dòng vốn đầu tư vẫn chảy vào Việt Nam và đây là một tín hiệu rất tích cực cho tăng trưởng năm 2025.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính của Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất tinh gọn và hướng đến những chuỗi giá trị hoàn thiện. Đây cũng là các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới. "Nước ta đã và đang là điểm đến hàng đầu trong chuỗi dịch chuyển toàn cầu, đặc biệt khi dòng vốn đang phân hóa sang các ngành công nghệ và chất lượng cao", ông Lực nói.
Minh chứng, nhóm ngành chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI với khoảng 55–56% tổng vốn, tương đương gần 12 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm trước. Điều đó khẳng định vị thế bền vững của ngành này, nhờ khả năng chuyển giao công nghệ và đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, dòng vốn cũng chảy mạnh vào các dự án logistics, xử lý nước, AI, bán dẫn... hướng mạnh vào hạ tầng kỹ thuật cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, nước ta cần tiếp tục loại bỏ hoàn toàn tư duy 'trải thảm đỏ mọi dự án', để thay vào đó là chiến lược "lọc vàng từ cát". Bởi chỉ khi ưu tiên đầu tư vào công nghệ lõi, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức, thì mới có thể tận dụng FDI làm "bàn đạp" nâng cấp nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những "nút thắt" lớn cần tháo gỡ khi Việt Nam đặt mục tiêu thu hút các dự án FDI công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo hay sản xuất xanh... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho biết, dù đánh giá cao môi trường đầu tư, nhưng vẫn lo ngại về khả năng cung ứng nhân lực kỹ thuật cao, có trình độ ngoại ngữ và tư duy đổi mới sáng tạo.