UKVFTA - 'lực đẩy' để hàng Việt chinh phục thị trường Anh và xa hơn nữa
Thị trường Vương quốc Anh có thể khó tính, nhưng cũng là nơi định vị thương hiệu. Khi hàng Việt chinh phục được Anh, cánh cửa sang EU, châu Âu rộng hơn bao giờ hết.
Cú hích chiến lược cho doanh nghiệp Việt
Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đang ghi nhận những bước tiến vượt bậc kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực. Sau hơn 4 năm triển khai, UKVFTA không chỉ tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy giao thương mà còn góp phần định vị hàng hóa Việt Nam tại một trong những thị trường khó tính bậc nhất châu Âu.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 8,2%; nhập khẩu từ Anh đạt 461,6 triệu USD, tăng mạnh 23,1%.
Nếu nhìn lại năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 8,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023. Con số này vượt mức tăng trưởng trung bình của thương mại với khu vực EU (16,8%), các nước châu Âu (17,2%) và toàn cầu (15,4%), cho thấy Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Anh.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua C/O mẫu UKVFTA của các doanh nghiệp Việt đã vượt mốc 30%. Ảnh: Quỳnh Hương
Đáng chú ý, theo số liệu từ Bộ Công Thương, ngay trong năm đầu tiên Hiệp định UKVFTA có hiệu lực (năm 2021), kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020 - thời điểm chưa có FTA song phương. Dù năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn giữ được mức tăng trưởng 1,9%, trong đó nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng ở mức hai con số.
Bộ Công Thương đánh giá, UKVFTA với những cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ đã mở rộng “sân chơi” cho hàng hóa Việt Nam tại Vương quốc Anh. Nhiều mặt hàng thế mạnh như hạt tiêu, điều tách vỏ, giày dép, cà phê… đang dẫn đầu phân khúc nhập khẩu của thị trường này.
Đặc biệt, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua C/O mẫu UKVFTA của các doanh nghiệp Việt đã vượt mốc 30% - một tín hiệu tích cực cho thấy sự trưởng thành trong cách tiếp cận thị trường Anh. Với UKVFTA, doanh nghiệp Việt không chỉ chú trọng tiêu chuẩn chất lượng mà còn nhanh chóng thích ứng với các xu hướng tiêu dùng xanh, phát triển bền vững - yếu tố đang ngày càng chi phối hành vi mua sắm của người tiêu dùng Anh.
Không chỉ giao thương, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh vào Việt Nam cũng khởi sắc nhờ lực đẩy UKVFTA. Tính đến 30/4/2025, Vương quốc Anh có 598 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 4,45 tỷ USD, xếp thứ 15 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, đã có thêm 15 dự án mới với vốn đăng ký 32,64 triệu USD.
Chia sẻ với Báo Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham), ông Denzel Eades nhận định, UKVFTA tạo nền móng vững chắc để các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam đang cần và Anh có thế mạnh như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính.
“Đường dài” vẫn còn nhiều thử thách
Theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, quốc gia này có dân số khoảng 68 triệu người, thu nhập bình quân cao và cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt mở rộng thị phần, đặc biệt là nhóm hàng đồ gỗ nội thất.
Tuy nhiên, “đường dài” vẫn còn nhiều thử thách. Thứ nhất, Anh đang tích cực ký FTA với nhiều đối tác, khiến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam suy giảm. Thứ hai, bối cảnh kinh tế - xã hội Anh vẫn thiếu ổn định, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, gia tăng xu hướng tiết kiệm.
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, chuyển đổi số, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế tại Anh để quảng bá sản phẩm, tạo dấu ấn thương hiệu. Ảnh: Minh Hùng
Quan trọng hơn, thị trường Anh nổi tiếng khắt khe. Hàng hóa Việt Nam muốn giữ vững vị thế buộc phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chứng chỉ xanh, chống phá rừng, sử dụng lao động công bằng... Đây là những tiêu chí đang được người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu Anh đặc biệt quan tâm.
Thêm vào đó, với việc Vương quốc Anh dự kiến triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), các ngành phát thải lớn như sắt thép, xi măng, nhôm, gốm sứ, phân bón... của Việt Nam cần khẩn trương có lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường Anh, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiến nghị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp người Việt và doanh nghiệp Anh để giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng đó, cập nhật thông tin về tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu, chứng chỉ xanh… để doanh nghiệp chủ động thích ứng; làm việc với hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn tại Anh nhằm mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, chuyển đổi số, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế tại Anh để quảng bá sản phẩm, tạo dấu ấn thương hiệu.
Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, ông Matt Western cũng khẳng định, Hội đồng kinh doanh Anh - ASEAN (UKABC) sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư song phương thực chất hơn trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, UKVFTA là cơ hội không thể bỏ lỡ. Tuy nhiên, để chuyển cơ hội thành kết quả thực chất, doanh nghiệp Việt phải “chơi” theo luật chơi mới: nâng chuẩn sản phẩm, làm chủ chuỗi cung ứng, hướng đến phát triển xanh - bền vững, xây dựng năng lực cạnh tranh dài hạn.
Thị trường Vương quốc Anh có thể khó tính, nhưng cũng là nơi định vị đẳng cấp. Khi hàng Việt chinh phục được thị trường này, cánh cửa sang EU, châu Âu và các thị trường phát triển khác cũng sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.