Sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, ảnh: Duy Trần
Quyết định này được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo Quyết định này, danh mục thủ tục hành chính áp dụng tại cả cấp Trung ương và địa phương đã được rà soát và công bố chính thức.
Một thủ tục hành chính hoàn toàn mới được bổ sung là việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). C/O là chứng từ có vai trò đặc biệt quan trọng trong xuất khẩu, giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do.
Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung 35 thủ tục hành chính hiện hành, chủ yếu liên quan đến việc cấp C/O theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các thủ tục này bao gồm cả mẫu C/O ưu đãi như D, E, AK, CPTPP, RCEP, EUR.1 và các mẫu đặc thù như ICO dành cho cà phê xuất khẩu, DA59 áp dụng với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Phi.
Ngoài ra, các thủ tục cấp lại C/O, cấp C/O hỗ trợ và cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ trong khu vực ASEAN cũng được điều chỉnh, phản ánh nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp và đa chiều.
Đặc biệt, các quy trình cấp C/O đã được chuẩn hóa và số hóa. Doanh nghiệp được khuyến khích khai báo hồ sơ qua Hệ thống quản lý và cấp C/O điện tử (eCoSys). Thời gian giải quyết hồ sơ cũng được rút ngắn đáng kể: 6 giờ làm việc với hồ sơ điện tử đầy đủ và hợp lệ, 2 giờ với hồ sơ giấy hợp lệ và tối đa 24 giờ nếu gửi qua bưu điện.
Bộ Công Thương thống nhất một đầu mối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), triển khai số hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phòng chống gian lận xuất xứ…nhằm kịp thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoàn thiện hệ thống chính sách thương mại, gia tăng năng lực cạnh tranh, uy tín quốc gia và khả năng ứng phó với biến động của thương mại toàn cầu.
Hiện tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đều yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi. Các loại chứng nhận như C/O, CNM và mã số REX được coi là "hộ chiếu thương mại" của hàng hóa, đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và tuân thủ quy tắc xuất xứ theo các FTA.