Trái phiếu doanh nghiệp nhộn nhịp trở lại
Thị trường trái phiếu đang có những tín hiệu tích cực khi các ngân hàng, doanh nghiệp dự kiến huy động hàng chục ngàn tỉ đồn
Số liệu mới nhất được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cho thấy chỉ trong 3 tuần đầu tháng 7 đã có 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) với tổng giá trị 3.895 tỉ đồng, chủ yếu là phát hành riêng lẻ.
Huy động vốn qua trái phiếu khả quan
Gần đây, một loạt ngân hàng (NH) và DN tiếp tục công bố phương án phát hành hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu để huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, NH TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố phương án phát hành riêng lẻ đợt 1 tối đa 20.000 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn tối đa 5 năm. NH TMCP Phương Đông (OCB) cũng thông qua phương án chào bán và phát hành tối đa 26.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Mới đây nhất, Công ty CP Hàng không Vietjet cũng tính phát hành riêng lẻ 2.000 tỉ đồng trái phiếu để chi trả các chi phí về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán, đặt cọc máy bay… Đây là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm, với kỳ hạn 60 tháng. Lãi suất cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN riêng lẻ được ghi nhận lên tới 70.203 tỉ đồng, trong đó có 58 đợt phát hành riêng lẻ, chiếm 86,8%.
Ở phân khúc trái phiếu phát hành ra công chúng, NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa phát hành thành công 5.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2023 nhằm bổ sung vào vốn cấp 2 để thêm dư địa cho tăng trưởng tín dụng và kịp thời cung ứng vốn cho nền kinh tế. Năm nay, VietinBank đã đăng ký chào bán 9.000 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng, đồng thời thực hiện kênh phát hành riêng lẻ cho các khách hàng tổ chức, định chế tài chính lớn trên thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, cho biết các NH đã bắt đầu phát hành trái phiếu mạnh trở lại sau gần 5 tháng trầm lắng. "Sau những lo sợ ban đầu về quy định mục đích sử dụng vốn theo Nghị định 65, các NH thương mại đã được "bật đèn xanh" để huy động vốn trở lại trên thị trường trái phiếu. Nếu xu hướng này tiếp tục sẽ giúp các NH linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay" - ông Nguyễn Thanh Lâm nhận xét.
Ngay cả các DN bất động sản cũng huy động được hơn 6.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu trong tháng 6, sau 2 tháng vắng bóng. Theo các công ty chứng khoán, sau những động thái mang tính thanh lọc thị trường trong năm ngoái, việc tiếp tục tái cấu trúc, minh bạch hóa thị trường trái phiếu để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đang dần phát huy tác dụng và cần là chính sách ưu tiên trong dài hạn.
Chờ "chợ" trái phiếu riêng lẻ sôi động
Liên quan đến sàn giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ vừa đi vào hoạt động từ 19-7, đến nay đã có 24 mã trái phiếu của các NH thương mại và DN như Vietcombank, BIDV, Vinfast… được đưa lên sàn này. Tuy nhiên, sau phiên đầu tiên nhộn nhịp với hơn 5,059 triệu trái phiếu đã được giao dịch, giá trị trên 1.780 tỉ đồng thì những phiên sau đó có phần đìu hiu. Nguyên nhân được lý giải một phần do lượng "hàng hóa" tham gia thị trường chưa nhiều.
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán SSI, cho biết sàn này chỉ cho phép các giao dịch thỏa thuận đối với trái phiếu DN đã đăng ký niêm yết và người mua phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ước tính sẽ có khoảng 733.00 tỉ đồng trái phiếu DN hoặc 455 tổ chức phát hành đăng ký niêm yết trong vòng 3 tháng tới. Khi đó, giao dịch sẽ nhộn nhịp hơn. "Sàn giao dịch trái phiếu DN sẽ giúp nhu cầu đầu tư trái phiếu DN phục hồi từ các tổ chức chuyên nghiệp với nguồn vốn dồi dào và muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đối với nhà đầu tư cá nhân, còn nhiều việc phải làm để khôi phục niềm tin và tâm lý đầu tư. Tuy vậy, lãi suất giảm cũng có thể kích thích nhu cầu mua trái phiếu DN của các nhà đầu tư cá nhân" - bà Việt Trinh nói.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, nhận xét hệ thống giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ được vận hành là bước tiến lớn của thị trường trái phiếu DN. Hiện quy mô thị trường này đang ở mức 12,8% GDP, đây là một trong những kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Chính phủ đã đặt mục tiêu thị trường này sẽ phát triển đạt mức 20% GDP vào năm 2025.
"Thống kê có tới 94% trái phiếu trên thị trường là phát hành riêng lẻ. Trước đây trái phiếu DN riêng lẻ chỉ được giao dịch trên OTC - tức các bên mua - bên bán tự tìm đến nhau và thỏa thuận giá dựa trên nhu cầu tại thời điểm đó. Nay có sàn giao dịch sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch cho thị trường khi toàn bộ giao dịch, giá cả của trái phiếu đều được công khai. Từ đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch mua - bán trái phiếu riêng lẻ dễ dàng hơn, thúc đẩy việc mua bán diễn ra thuận lợi, tăng tính thanh khoản…" - bà Hoài Thu nói.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, bà Nguyễn Hoài Thu nhận định việc sàn giao dịch trái phiếu DN đi vào hoạt động sẽ củng cố phần nào niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, thúc đẩy giúp thị trường phục hồi lành mạnh hơn.
Vẫn có nhiều trái phiếu chậm thanh toán
Theo chứng khoán Maybank, trong tháng 6-2023, các DN phi NH đã gia hạn được 12.830 tỉ đồng trái phiếu, với thời gian gia hạn từ 1-2 năm. Có điều, lãi hoặc gốc của khoảng 12.470 tỉ đồng trái phiếu khác đã không thể thanh toán đúng hạn trong tháng 6, phần lớn đến từ các DN bất động sản và điện.
Về lợi suất trái phiếu, thống kê của Maybank trong tháng 6, lợi suất cao nhất ở mức khoảng 13,5%/năm và mức phổ biến là 11%/năm. Dự báo lợi suất trái phiếu DN sẽ tiếp tục giảm khi lãi suất huy động và cho vay còn dư địa giảm trong quý III.
Theo Thái Phương
Người lao động