Áp dụng giá điện sinh hoạt 5 thành phần, “bù chéo" là sai luật?
Theo Dự thảo cơ cấu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, giá điện sinh hoạt được tính theo 5 bậc và được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/kWh.
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường (Bộ Công thương) xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, Bộ Công Thương đang đề xuất sửa lại biểu giá điện theo hướng ưu tiên giảm các bậc thang, giảm bù chéo giá. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Giá điện bình quân chính là giá thành sản xuất. Theo như quy định của thị trường điện cạnh tranh là bên sản xuất được quyền tự mình tính và đưa ra mức giá. Tôi thấy vẫn chưa thấy có đơn vị nào kiểm tra công khai, minh bạch. Giá điện bình quân là giá thành được cộng thêm lãi, do Nhà nước quy định rồi. Cái lãi đó đủ để bảo đảm cho ngành điện sửa chữa, nâng cấp, hệ thống đường dây dẫn, kèm theo phúc lợi xã hội cho ngành điện, đầy đủ hết rồi.
Vì trong Luật Giá và Luật điện không có cụm từ nào là “bù chéo”. Thứ hai, tôi nghiên cứu mới Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành năm 2020, trong đó viết rõ “giá điện không được dùng bù chéo”. Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rồi nhưng mà bây giờ vẫn lấy ý kiến áp dụng. Như vậy, tôi thấy vừa bất hợp lý, vừa không đúng chủ trương của Đảng. Thế như vậy, không minh bạch, không rõ ràng và bất hợp lý.
Nhân dân đã thực hiện cái này từ 2014 luôn có sự áy náy, người ta cảm thấy có cái gì đó bất công, chưa bao giờ có sự đồng thuận mà theo nguyên tắc của đặt ra giá điện bảo đảm 3 lợi ích: Lợi ích của nhà sản xuất kinh doanh phải có lãi; Thứ hai, phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước để thu được thuế; Thứ ba là đảm bảo lợi ích công bằng với người tiêu dùng, là phải minh bạch rõ ràng, không được quyền lấy của người này cho người khác. Vấn đề là an sinh cho gia đình nghèo, gia đình khó khăn thì chính sách của Nhà nước lấy thuế để ra Quỹ bình ổn, Nhà nước qua Bộ Lao động Thương binh và xã hội giúp cho những nghèo.
PV: Vậy các nước có áp dụng “bù chéo” giá điện như tại Việt Nam, thưa ông?
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Thực tế ở các nước, thị trường đúng nghĩa rồi, người ta vẫn thực hiện bù chéo, nhưng vẫn đảm bảo công bằng. Họ đóng góp tự nguyện. Thế giới có nhưng đó là thị trường đúng nghĩa, thị trường hoàn hảo. Chứ đằng này, thị trường một phía, cái gì có lợi cho bên sản xuất thì áp dụng, còn cái gì bất lợi người ta không áp dụng.
Tôi thấy hiện nay cái bất lợi như thế này: Ví dụ là mục đích đưa nhiều giá bù chéo để tiết kiệm điện nhưng xem chừng như vậy để tiết kiệm điện áp dụng cho người tiêu dùng điện, còn tiết kiệm điện cho sản xuất điện lại không đặt ra. Trong tiết kiệm trong giá phát điện, trong đó điện tự dùng dùng nhiều hơn điện sinh hoạt nhưng không có chỉ tiêu buộc phải giảm.
Tôi có ý kiến là Nhà nước phải định mức, ví dụ như là điện tự dùng trong nhà máy sản xuất được tự dùng lại là 2-3% nhưng đến hiện nay là 10 %, cũng cũng không ai quản lý, cho nên là nó không công bằng giữa bên sản xuất và tiêu dùng. Nếu không công bằng giữa bên sản xuất và bên tiêu dùng thì thị trường không hoàn hảo và méo mó.
PV: Trong thời gian tới để có thể là vận hành thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần phải đặt ra những yêu cầu như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm: Nhà nước đứng ra tổng kết, đánh giá thị trường này, từ những cái đó để mà khắc phục những tồn tại như chưa minh bạch, chưa rõ ràng, có những cái còn sai cả quy định của Trung ương Đảng, sai cả kỳ điều chỉnh của luật quy định thì phải bỏ đi cá nhân. Áp dụng 1 giá là đúng nhất.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông.
Theo Hải Hà
VOV