eSim có gì đặc biệt khiến Apple quyết định bỏ hẳn khe SIM truyền thống trên iPhone 14 - Thị trường smartphone sẽ thay đổi thế nào sau động thái này?
Với quyết định sử dụng eSim, Apple là nhà sản xuất smartphone lớn đầu tiên có sự chuyển đổi. Rất có thể, những thương hiệu smartphone khác cũng sẽ “học tập” Apple tương tự như trường hợp jack cắm tai nghe và loại bỏ củ sạc.
Những năm qua, Apple luôn gây được sự chú ý khi tuyên bố một yếu tố đã lỗi thời và không ngần ngại loại bỏ hoặc thay thế bằng các bộ phận khác, một trong những quyết định gây tranh cãi nhất là việc loại bỏ giắc cắm tai nghe khỏi iPhone 7.
Trong khi nhiều người hoài nghi với bước đi này thì các công ty công nghệ đã bắt đầu thay đổi để thích ứng. Minh chứng rõ nét nhất là chỉ một vài năm sau, Samsung - đối thủ lớn nhất của Apple, cũng tiếp bước loại bỏ jack cắm khỏi dòng điện thoại hàng đầu của mình.
Apple cũng được cho là sẽ loại bỏ cổng sạc vào một thời điểm trong tương lai. Nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo nghi ngờ rằng công ty sẽ thực hiện động thái này vì lý do chống thấm nước hoặc chỉ là một cách để tránh bị buộc phải sử dụng USB Type C.
Ảnh minh họa.
Việc Apple quyết định dùng eSim trên iPhone 14 mới đây cũng có thể là bước đi khiến thị trường smartphone thế giới có nhiều thay đổi trong tương lai.
eSIM là gì?
eSIM là một phiên bản điện tử của thẻ SIM được tích hợp sẵn trong điện thoại. Thẻ SIM thông thường chỉ chứa một lượng nhỏ thông tin, về cơ bản là mã mạng sử dụng để nhận dạng người dùng. eSIM hoạt động bằng cách cho phép điện thoại của bạn ghi mã lên đó, con chip này có thể được viết lại nhiều lần nếu cần, vì vậy không có gì phải lo lắng về việc hoán đổi các mảnh nhựa mỗi khi bạn chuyển đổi nhà mạng.
Mặc dù không lâu đời bằng thẻ SIM vật lý nhưng eSIM cũng không phải một khái niệm mới. Loại sim này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2012 và đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm từ ngành công nghiệp ô tô (thông qua Giesecke + Devrient).
Vì vậy, công nghệ tiên tiến giúp việc kết nối giữa các nhà mạng dễ dàng hơn sẽ gây được chú ý đối với các nhà sản xuất ô tô. Ngày nay, eSIM có thể được tìm thấy trên nhiều loại phương tiện khác nhau.
Các thiết bị của Apple đã được cài đặt sẵn eSIM kể từ iPhone XS và các dòng iPad Pro mới. Mặc dù chúng vẫn luôn là một trong các lựa chọn sử dụng nhưng việc biến nó thành lựa chọn duy nhất vẫn là một bước đi khá táo bạo, bởi eSIM có cả mặt tiêu cực lẫn tích cực.
Lợi ích của eSIM
Thứ nhất, người dùng không cần phải đến các điểm đăng ký sim để mua những chiếc sim vật lý như thông thường bởi mọi thứ của eSIM đều được thực hiện trực tuyến và khách hàng có thể bắt đầu sử dụng dịch vụ chỉ sau vài giây đăng ký. Ngoài ra, eSIM có thể chứa nhiều gói dịch vụ khác nhau.
Thứ hai, khách hàng có thể sử dụng bản dùng thử miễn phí để trải nghiệm và làm quen trước khi đưa ra quyết định có chuyển đổi sang eSIM hay không. Thậm chí, người dùng có thể dùng thử một mạng mới trong khi vẫn sử dụng gói điện thoại hiện tại của mình, trên cùng một thiết bị.
Bên cạnh đó, một gói dịch vụ mạng có thể được sử dụng trên một số eSIM, vì vậy nếu có gói dịch vụ bao gồm điện thoại, iPad và ô tô, khách hàng sẽ không còn phải loay hoay lắp nhiều thẻ sim khác nhau cho từng thiết bị nữa.
Thứ ba, eSIM không tốn diện tích như SIM vật lý giúp điện thoại có thể nhỏ hơn hoặc có khả năng sử dụng chỗ trống đó cho các thành phần khác. Cuối cùng, như US Mobile giải thích, người sử dụng eSIM sẽ không cần phải lo lắng về việc giữ gìn phần vỏ sim bằng nhựa rời mỗi khi muốn tháo sim ra khỏi thiết bị hoặc chuyển đổi sang thiết bị khác có kích thước không tương ứng.
Nhược điểm của eSIM
Có thể nói eSIM là một bước tiến hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, eSIM vẫn có một vài nhược điểm.
Thứ nhất, chip eSIM phải được tích hợp sẵn trên điện thoại bởi nó không phải là thứ bạn có thể thêm vào sau này, vì vậy điện thoại giá rẻ không chắc đã được cài đặt eSIM.
Vì eSIM được tích hợp trong điện thoại, bạn không thể lấy nó ra và lắp vào điện thoại khác như khi dùng thẻ SIM thông thường nhưng điều này có thể không quá rắc rối, bởi chỉ có một số ít trường hợp bạn di chuyển thẻ SIM giữa các điện thoại.
Ảnh minh họa.
Một điểm trừ khác liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ không dây: không phải tất cả các mạng hiện đều hỗ trợ công nghệ eSIM, chính vì thế mà người sử dụng cần kiểm tra thật kỹ trước khi kích hoạt dịch vụ.
Ở thời điểm hiện tại, việc thiết lập eSIM với tất cả các nhà mạng lớn có hỗ trợ công nghệ này đều miễn phí.
Với quyết định sử dụng eSim, Apple là nhà sản xuất smartphone lớn đầu tiên có sự chuyển đổi. Tại các thị trường khác, iPhone 14 vẫn duy trì thiết kế cũ. Trả lời The Verge, ‘nhà táo’ cho biết iPhone 14 tiêu chuẩn có thể lưu trữ tới 6 eSIM, nhưng chỉ có 2 eSIM được kích hoạt cùng lúc. Mặt khác, iPhone 14 Pro lưu trữ 8 eSIM.
Rất có thể, những thương hiệu smartphone khác cũng sẽ “học tập” Apple đối với eSIM tương tự như trường hợp jack cắm tai nghe và loại bỏ củ sạc. Một khi eSIM phổ biến trên toàn cầu và người dùng đón nhận iPhone không khay SIM, Apple khả năng sẽ triển khai thiết bị trên khắp thế giới.
Tham khảo: Slashgear
Khánh Vy
Nhịp sống thị trường