Lạc giữa "ma trận" thực phẩm chức năng trên TikTok
Thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, mỹ phẩm... đang là mặt hàng “hot” trên TikTok. Trong khi đó, nền tảng mạng xã hội này hiện không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Thực phẩm chức năng bán trên TikTok bị “tuýt còi”
Ra mắt vào giữa tháng 4/2022, TikTok Shop đánh dấu sự hình thành mảng kinh doanh thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Việt Nam.
Trên TikTok, các thương hiệu và người nổi tiếng được khuyến khích quảng cáo sản phẩm của họ thông qua video, livestream để tăng doanh số bán hàng. Người dùng có thể mua sắm thông qua các gian hàng của người bán trực tiếp trên ứng dụng.
Thuốc bổ, thực phẩm chức năng tràn ngập mạng xã hội TikTok |
Cũng theo quy định, TikTok phải quản lý chặt chẽ các mặt hàng liên quan đến người có thai, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng. Gian hàng muốn kinh doanh các mặt hàng này phải cung cấp giấy xác nhận, chứng từ liên quan. Tuy nhiên, hiện người bán hàng có rất nhiều cách để “lách luật” như nhờ các đơn vị hỗ trợ xây dựng kênh, người bán sẽ được hướng dẫn để được thông qua hoặc mở ngành hàng nhanh chóng hơn.
Ngay cả khi không được duyệt bán sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải video quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng và dẫn người mua qua các kênh bán hàng khác.
Trong thời gian qua, hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng chào bán trên TikTok đã bị Cục An toàn thực phẩm "tuýt còi" về vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm khi quảng cáo loại này như thuốc chữa bệnh.
Hàng chục nghìn loại thuốc tân dược, thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm |
Sáng 11/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế. Quốc hội tập trung chất vấn về thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm.
Liên quan đến công tác quản lý thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật quản lý về thực phẩm chức năng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng, phát hiện vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ).
Công tác kiểm tra quản lý thực phẩm chức năng vẫn gặp khó
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Phần lớn các mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật.
Cùng đó là tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; sản xuất thực phẩm chức năng ở nơi không bảo đảm vệ sinh, không có Giấy chứng nhận GMP.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Bộ Y tế cho biết, bên cạnh đó là hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng như "thần dược", quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận.
Ngoài ra có tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.
Theo Bộ Y tế, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng; đặc biệt khó khăn khi xử lý vi phạm trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.
Cùng đó khó khăn trong việc quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng qua một số hình thức mới như: Quảng cáo thực phẩm chức năng thông qua hình thức tư vấn bán hàng qua điện thoại, đe doạ, nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh nhằm bán thực phẩm chức năng. Việc tư vấn, bán hàng qua hình thức này chỉ có người nghe và người tư vấn biết thông tin nên không giám sát, kiểm soát được nội dung phát ngôn và không thể ngăn chặn trước được phát ngôn của người quảng cáo.
Thêm nữa là việc bán thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử, website và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng trên mà chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc chưa nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều khó khăn do các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả được sản xuất ở nước ngoài mang về; cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để quản lý.
Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội như: Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật và có chế tài xử phạt phù hợp; bổ sung hành vi, tăng mức tiền xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe...