Hàng giả, hàng kém chất lượng: Thách thức với hàng Việt và người tiêu dùng
Hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn làm giảm niềm tin vào hàng Việt.
Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức sáng 25/7.
Doanh nghiệp lớn khốn đốn vì hàng giả, hàng nhái hoành hành
Ông Hoàng Thế Nhu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May 10, cho biết, tình trạng giả mạo thương hiệu May 10 đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử. Nhiều đối tượng đã lợi dụng uy tín của doanh nghiệp để tạo các fanpage, gian hàng với tên gọi dễ gây nhầm lẫn như: “May 10 Hà Nội xả hàng xuất khẩu”, “Tổng kho May 10 xả hàng”, hay “May 10 Hà Nội xả vest tồn kho giá gốc”. Khi truy cập các trang này, người tiêu dùng bị điều hướng sang các website bán hàng không chính thống và dễ dàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hải
Không chỉ trên không gian mạng, hình thức giả mạo còn lan sang cả kênh phân phối truyền thống. Đã có trường hợp đối tượng làm giả con dấu doanh nghiệp và mạo danh lãnh đạo công ty để đến làm việc với chính quyền địa phương, chào bán sản phẩm nhằm ký hợp đồng cung ứng.
"Để sản xuất một bộ vest đạt chuẩn May 10 phải trải qua 180 công đoạn. Do đó, chỉ một sản phẩm nhái lọt ra thị trường cũng có thể gây hiểu lầm và tổn hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu", ông Hoàng Thế Nhu nhấn mạnh.
Trong khi các trường hợp giả mạo kênh bán hàng truyền thống có thể xử lý thông qua cơ quan chức năng, thì trên không gian thương mại điện tử, việc xác minh và ngăn chặn vi phạm gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh truyền thông, công khai các kênh bán hàng chính thức để người tiêu dùng nhận diện và cảnh giác.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều chung nhận định: Hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu Việt.
Một trong những nguyên nhân khiến hàng giả có “đất sống” là tâm lý sính hàng hiệu giá rẻ của người tiêu dùng. Không ít trường hợp dù nghi ngờ vẫn mua, chỉ vì sản phẩm "giống hàng thật", mẫu mã bắt mắt, giá rẻ. Việc thiếu kiểm tra nguồn gốc, không yêu cầu hóa đơn, ngại khiếu nại… cũng góp phần tiếp tay cho hàng giả tồn tại và lan rộng. Nhiều người chỉ phát hiện hàng nhái khi gặp vấn đề trong quá trình sử dụng, nhưng vì "rẻ nên không đáng phàn nàn", họ thường bỏ qua, tạo điều kiện để các vi phạm tiếp diễn.
Để có một thị trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, ông Hoàng Thế Nhu kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng Facebook, TikTok và Zalo. Đồng thời, có những biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý nghiêm minh các hành vi giả mạo thương hiệu, lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng…
Người tiêu dùng là “tuyến phòng vệ” quan trọng
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 2.068 vụ việc vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 37 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 33,9 tỷ đồng. Số tiền thu lợi bất hợp pháp bị buộc nộp lại là 15 tỷ đồng, trị giá hàng hóa bị tịch thu là 8,6 tỷ đồng; hàng hóa buộc tiêu hủy và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có trị giá 41,2 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ các hoạt động này đạt 53,3 tỷ đồng.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh Thanh Hải
Riêng trong đợt cao điểm kiểm tra theo Công điện 65/CĐ-TTg và Chỉ thị số 13/CT-TTg, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 550 vụ, chuyển 10 vụ sang cơ quan điều tra. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trong đợt cao điểm là 10,42 tỷ đồng.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, hàng giả, hàng nhái cũng đang ẩn mình dưới các hình thức ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng lợi dụng danh tiếng của các thương hiệu lớn như: May 10 để lập fanpage, gian hàng ảo, qua đó tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng với giá “siêu rẻ”, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở môi trường mạng, hàng giả còn len lỏi vào hệ thống phân phối truyền thống, thậm chí xuất hiện tình trạng làm giả con dấu doanh nghiệp và mạo danh lãnh đạo đến các địa phương chào hàng.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã chủ động truyền thông về kênh phân phối chính thức, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và xác thực nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, công tác kiểm soát vẫn gặp nhiều khó khăn do hoạt động buôn bán hàng giả thường diễn ra ở vùng ven, đối tượng vi phạm ẩn danh hoặc liên kết theo chuỗi.
Ông Hùng khuyến cáo, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua hàng trực tuyến, nên lựa chọn các thương hiệu uy tín, kiểm tra kỹ đánh giá từ người mua trước, không nên bị hấp dẫn bởi mức giá quá rẻ. Việc kiểm tra nhãn mác, thông tin sản phẩm, chính sách đổi trả và bảo vệ người tiêu dùng là những yếu tố quan trọng cần lưu ý.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội), cho rằng, người tiêu dùng thông minh cần trang bị kiến thức về sản phẩm, đọc kỹ thông tin, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và ưu tiên mua hàng tại các kênh chính thức. Đây không chỉ là cách bảo vệ bản thân mà còn góp phần giữ gìn môi trường kinh doanh minh bạch và hỗ trợ phát triển hàng Việt, thương hiệu Việt.
Năm 2025, TP. Hà Nội tiếp tục xác định Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, để Cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa, vai trò của việc ưu tiên dùng hàng Việt; đồng thời xây dựng thói quen tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm.
Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chất lượng cao; kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng các hành động cụ thể từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.