Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cọ ỏm: Món ngon thấm đẫm hương quê của người dân đất Tổ

 Dù dòng thời gian có thêm bao ngày tháng, vùng đất Tổ vẫn đậm đà hương cọ ỏm tình thân...

Cứ mỗi độ đông sang cũng là mùa cọ về, người dân đất Tổ lại tất tả đi gom những buồng cọ chín tới mang về ỏm. Phú Thọ nào có thiếu đặc sản thơm ngon như hồng Hạc Trì, bưởi Đoan Hùng, măng nứa Trung Sơn, rêu đá người Mường, rượu hoẵng,... thế nhưng cọ ỏm vẫn là một món ăn đậm đà tình quê của người dân đất Tổ.

Cọ ỏm: Món ngon thấm đẫm hương quê của người dân đất Tổ - Ảnh 1.

Mùa cọ về...

Những đồi cọ trập trùng là biểu tượng từ xưa đến nay của vùng đất Phú Thọ - nơi khởi nguồn những nét văn hóa cổ truyền từ thời Hùng Vương. Loài cây dân dã gắn bó nặng sâu nghĩa tình với vùng đất Tổ quê cha cùng với con người nơi đây qua bao năm tháng. Màu xanh mướt của đồi cọ trập trùng che nắng mưa qua những ngôi nhà lợp lá cọ yên bình trên triền núi, đến những chiếc nón Sai Nga đội đầu, nhớ chiếc quạt lá cọ ngày hè trưa nắng và nắm cơm gói lá cọ cùng cọ ỏm béo bùi khảm sâu trong ký ức tuổi thơ của nhiều người. Tất cả những thứ ấy đều ùa về mỗi độ mùa cọ sang.

Mặc dù cuộc sống hiện đại hóa ngày càng thay thế nhiều con đường đất bằng đường nhựa sạch sẽ, những ngôi nhà lợp lá cọ bằng nhà cao tầng khang trang, thế nhưng những đồi cọ vẫn còn xòe tán rộng, hướng lên nền trời xanh uống sương mà tồn tại. Về những vùng Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Yên Lập,... người ta vẫn thấy những vệt cọ chao mình bên dòng sông Thao hiền hòa.

Vào đông, chừng tháng 10, 11 Âm lịch, lúc mà món cọ ỏm khiến những người xa xứ xiết bao thương nhớ. Nhìn thấy màu tím xanh của cọ là lại nhớ về món ăn tuổi thơ trải qua bao đời của xứ mình.

Những buồng cọ lúc lỉu, chi chít đầy quả căng mọng, vỏ nhẵn bóng, tím xanh đung đua trên ngọn cọ, nhìn chỉ muốn hái nhanh mà ôm tất thảy vào lòng. Mùa cọ về, người ta còn khoan khoái được nghe tiếng chim ríu rít gọi đàn của loài chim thích ăn cọ.

Nằm lòng thời gian cọ chín đã bao mùa, người dân trong các thôn, các làng rủ nhau lên đồi hái cọ. Thú thực, chỉ nhìn vào màu sắc tím bầm sắc xanh ấy, người ta đã biết cọ ăn được rồi. Kinh nghiệm hái cọ bao đời tôi luyện cho họ con mắt tinh anh để chọn được những thân già, lá dày, quả chín kỹ. Hái thử vài quả thấy cùi dày, óng vàng và bị bùi béo thì mới thảy cả buồng xuống.

Cũng là kinh nghiệm dân gian như bao loài cây trái khác, cứ chim ăn, sâu ăn thì ngon. Nhiều người cho rằng những cây cọ như thế sẽ cho quả béo ngậy hơn. Nói thì dễ vậy nhưng công đoạn hái cọ cũng lắm gian nan. Thân cây không nhẵn như thân dừa mà tua tủa gai, bắc thang trèo gần lên ngọn và rung cọ.

Cọ ỏm - đặc sản đầy tình quê của người dân đất Tổ

Cọ hái về không mang nấu luôn. Để có món cọ ỏm đặc sản quê hương, người ta phải làm bong vỏ lụa đen bên ngoài của cọ. Cách nhanh nhất giúp xát vỏ ngoài đó là cho cọ vào rổ tre, thêm vài nắm que tre hoặc nứa chẻ nhỏ vào lẫn rổ cọ, xóc liên hồi. Phần cạnh sắc của chúng sẽ làm cọ bong vỏ nhanh và đều.

Để ỏm cọ bùi, ngon và béo bở phải có bí quyết. Nếu không sành ỏm thì cọ sẽ bị chát đắng và trơ cứng và bị tách nước. Trước tiên phải đun sôi nước lăn tăn, khi bọt nước xuất hiện từ đyá nồi thì đổ cọ vào, đậy kín chừng 20 phút. 

Dấu hiệu nhận biết mẻ cọ ngon là nước ỏm sẽ loang loáng váng mỡ vàng mỏng từ quả cọ. Lúc này, quả cọ để lộ phần ruột vàng ruộm, lõi dày. Khi ăn cọ mềm bùi, béo ngậy. Nhiều người thích ăn kèm với muối vừng hoặc muối lạc lại càng đưa vị. Món cọ ỏm xưa kia cứu đói, thế nhưng dù qua bao thời gian, đây vẫn là món ăn vặt thơm ngon mà chân tình, giản dị đầy ắp hương quê, ăn mãi chẳng chán.

Ngoài cọ ỏm, các bà, các mẹ cũng rất sáng tạo chế biến các món ăn khác từ cọ như món dưa cọ. Cọ khi hái về, tróc bỏ vỏ ngoài, ngâm qua nước chừng 1 giờ sau đó xóc đều với muối hạt, cho vào chum. Chỉ khoảng 2 đến 3 ngày, cọ ngậm muối, chua dần là có thể ăn được. Mặc dù món này ăn cứng hơn cọ ỏm nhưng vẫn bùi béo, lại xen lẫn vị chua, là món ăn kèm đưa cơm khi thêm món cá kho.

Cứ như vậy, tưởng chừng cọ ỏm chỉ là món thôn quê, đạm bạc nhưng lại trở thành đặc sản ở thành phố và cả những người con xa quê luôn nhớ về đất Tổ. Người sành ăn, người mê cọ ỏm, khi mùa về, đều tìm mua bằng được cọ mang về ỏm cho đỡ cơn thèm.

Vào mùa cọ, không chỉ các tiểu thương đổ về tận các làng để mua cọ mà trên chợ online, mạng xã hội cũng rao bán cọ hoặc cọ ỏm, giá thành dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/kg. Nghe thì cũng không đắt đỏ cho lắm, nhưng phải tìm tòi và hẹn trước mới mua được chứ cũng chẳng sẵn như thức quả khác.

Một thức quả dân dã nhưng xua tan nỗi nhớ quê hương, đi sâu vào trong ký ức trở thành một điều đẹp đẽ của mỗi người con lớn lên ở vùng trung du thanh bình. Không phải sơn hào hải vị, chẳng phải đắt đỏ xa hoa nhưng cọ ỏm lại khắc sâu vào lòng những người con xa xứ nỗi nhớ quê hương, nguồn cội, và đương nhiên cũng đánh dấu vào bản đồ ẩm thực Việt Nam một nét vẽ đẹp đẽ đầy nhớ thương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...