Chuyện lạ Hà Nội: Giữa bão giá, bát bún vẫn chỉ 25.000 đồng
Giá nhiều loại thịt đang tăng nhưng tại Hà Nội, người dân vẫn dễ dàng tìm được nhiều quán bún, miến, phở có giá chỉ từ 25.000 đồng/bát.
Giá thịt lợn cùng nhiều thực phẩm thiết yếu khác đang liên tục leo thang, khiến bữa ăn hằng ngày của người dân thêm phần áp lực. Thế nhưng, giữa Thủ đô với mức sống thuộc hàng đắt đỏ nhất cả nước, không khó để bắt gặp những quán ăn vẫn giữ giá bún, phở, miến chỉ từ 25.000 đồng/bát.
Giá thịt leo thang, bữa cơm ngày càng “chật vật”
Báo cáo từ Cục Thống kê - Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 3/2025, nhóm thực phẩm tăng 0,08%. Nguyên nhân chính là do giá thịt lợn tiếp tục tăng vì nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024. Nhiều trang trại chưa kịp tái đàn, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào các dịp lễ hội đầu năm.
Tại Hà Nội dễ dàng tìm được bún, miến phở chỉ từ 25.000 đồng/bát. Ảnh: Hoàng Quyên |
Thịt lợn, vốn là nguyên liệu chủ đạo trong bữa cơm gia đình, được xem là nguyên nhân chính đẩy chi phí ăn uống lên cao. Cô Thanh Hà, một cư dân tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi không nắm rõ giá từng loại thực phẩm vì thường mua ở các hàng quen. Nhưng cùng lượng thịt như trước, giờ tiền phải chi ra nhiều hơn. Mỗi ngày gia đình tôi tốn thêm khoảng 40.000 - 50.000 đồng”.
Thực tế cho thấy, nếu cuối năm 2024, giá thịt lợn dao động từ 63.000 - 69.000 đồng/kg thì đến giữa tháng 4/2025, con số này đã lên đến 75.000 đồng/kg tại một số tỉnh phía Nam như Bến Tre. Các địa phương khác như Trà Vinh, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang cũng ghi nhận giá ở mức 74.000 đồng/kg.
Không chỉ thịt lợn, một số thực phẩm khác cũng ghi nhận mức tăng nhẹ. Thịt bò tăng khoảng 10%, lên 230.000 - 300.000 đồng/kg. Giá tôm sú tăng 20.000 đồng/kg, dao động từ 250.000 - 600.000 đồng/kg tùy loại. Tuy chưa phải mức tăng “sốc”, nhưng với tần suất lặp lại, những thay đổi này đang tạo ra áp lực đáng kể cho ngân sách bữa ăn hằng ngày.
Quán bún 25.000 đồng vẫn trụ vững
Trong bối cảnh giá thực phẩm “leo thang” từng ngày, nhiều người không khỏi bất ngờ khi vẫn có thể tìm thấy những bát bún giá rẻ tại Hà Nội. Tại các quán ăn bình dân ở phố Lý Thường Kiệt - nơi được xem là trung tâm của Thủ đô, anh Lê Công, nhân viên văn phòng cho biết, bữa trưa của anh vẫn ổn định từ 35.000 - 45.000 đồng/bát.
“Bún ngan, bún vịt, phở bò vẫn loanh quanh mức đó. Chất lượng không đổi. Không thấy chủ quán cắt giảm lượng thịt để giữ giá”, anh Công nói.
Đặc biệt, với món bún chả vốn có nguyên liệu chính là thịt lợn, loại thực phẩm tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua, anh Công khẳng định vẫn chưa thấy tăng giá hay giảm khẩu phần.
Sự “kiên định” về giá cả này cũng được phóng viên Báo Công Thương ghi nhận ở nhiều khu vực khác như phố Tạ Quang Bửu, gần Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tại đây, những quán bún cá, phở bò bán ra với giá chỉ 25.000 - 30.000 đồng/bát vẫn thu hút đông đảo sinh viên và nhân viên công sở.
Chị Thanh Bình, một người dân sống gần khu vực này cho biết, chị là khách ruột của một quán bún cá trên phố. “Tôi hỏi chủ quán sao không tăng giá, họ nói thịt bò không tăng quá mạnh, nên đầu vào chưa biến động lớn. Quan trọng hơn, họ chấp nhận giảm lãi để giữ khách”, chị kể.
Điều đáng chú ý, các hàng ăn này không những không tăng giá mà còn giữ nguyên chất lượng và khẩu phần ăn. Không cắt giảm lượng thịt, không thay đổi công thức. Đây là điều khiến không ít thực khách cảm thấy được “an ủi” trong bối cảnh mọi mặt hàng đều tăng giá.
Hà Nội là một trong những nơi có mức sống đắt đỏ nhất nhưng vẫn dễ dàng tìm được quán ăn “ngon, bổ, rẻ" |
Không chỉ có phố Tạ Quang Bửu, khảo sát của phóng viên tại các quận như Hoàng Mai, Dương Nội, Minh Khai... cũng cho thấy nhiều hàng quán vẫn giữ giá dưới 30.000 đồng/bát. Những nơi này đang trở thành điểm đến quen thuộc của người lao động, sinh viên - những đối tượng dễ bị tổn thương bởi biến động giá cả.
Dữ liệu từ Cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 3/2025 giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước, chủ yếu nhờ giá xăng dầu, giá gạo thế giới hạ nhiệt. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI vẫn tăng 3,13%, lạm phát cơ bản tăng 3,01%.
Điều đó cho thấy, việc giữ giá ở các quán ăn bình dân, dù nhỏ nhưng rất thiết thực, có vai trò như “van giảm áp” cho những hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Trong khi chính sách vĩ mô chưa kịp phát huy hiệu quả trực tiếp, những bát bún 25.000 đồng có lẽ là lời nhắc rằng Hà Nội - dù đắt đỏ vẫn còn nhiều điểm sáng nhân văn, tử tế.
Thông tin của GSO cho thấy, giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước. So với tháng 12/2024, CPI tháng ba tăng 1,3%; tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,01%. |