Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vướng quy định dẫn đến khó kêu gọi đầu tư tại các khu "đất vàng" ở Huế

Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tục kêu gọi đầu tư tại các khu đất từng là nơi làm việc của các Sở, ngành ở khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế nhưng nhà đầu tư không mặn mà. Những con đường này nằm ở ven bờ Nam sông Hương, là các khu "đất vàng" của thành phố Huế.

Vướng quy định dẫn đến khó kêu gọi đầu tư tại các khu

Các khu “đất vàng” ở dọc bờ Nam đường Lê Lợi từng là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều năm nay, khu vực này bị bỏ hoang, chưa có doanh nghiệp nào tìm đến đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Quyết, người dân thành phố Huế tiếc nuối, mỗi lần đi qua các trụ sở, công sở chưa được đầu tư cảm thấy đau lòng, bởi lẽ nó nhếch nhác, mất vệ sinh khi không có người trông coi cẩn thận.

Vướng quy định dẫn đến khó kêu gọi đầu tư tại các khu

Nhiều trụ sở đã chuyển đi nơi khác, trục đường Lê Lợi, thành phố Huế vẫn bỏ hoang

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang kêu gọi đầu tư các dự án tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch cao cấp trên các khu “đất vàng”. Trong đó, khu đất số 22-24 Lê Lợi với diện tích hơn 4.830m2, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500m2 trở lên cùng khu nhà hàng và các dịch vụ du lịch. Khu đất từ 26-28-30, đường Lê Lợi có diện tích hơn 6.230m2, tỉnh kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn khoảng 250-300 phòng, 4 mặt tiền đường phải bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với trục không gian văn hóa nghệ thuật dọc đường Lê Lợi và bờ sông Hương…

 

Tỉnh đã nhiều năm kêu gọi đàu tư nhưng chưa có DN nào tìm đến đầu tư vào các khu đất này. Ông Nguyễn Xuân Hoa ở thành phố Huế cho rằng, thành phố Huế lâu nay thiếu các sản phẩm du lịch về đêm, nên khi xây dựng các điểm du lịch dịch vụ như các điểm trưng bày và bảo tàng ở đường Lê Lợi sẽ phù hợp hơn.

“Định hướng về quy hoạch xây dựng tại khu vực này có phần hạn chế và bất cập. Khu vực này không thể hình thành một hệ thống khách sạn hay hệ thống dịch vụ có quy mô lớn và cao tầng. Khu vực này sử dụng hợp lý nhất vẫn là hệ thống bảo tàng, hệ thống dịch vụ quy mô nhỏ. Tỉnh cũng quy hoạch phát triển dịch vụ văn hóa, nhưng định hướng kêu gọi xây dựng khách sạn là không phù hợp ở không gian 2 bờ sông Hương, nhất là đoạn này lại án ngữ ngay trước mặt Kinh thành", ông Hoa phân tích.

Khó khăn lớn nhất khi kêu gọi đầu tư vào các khu đất ở đường Lê Lợi, thành phố Huế chính là vướng cơ chế về bán tài sản công, các quy định, chính sách pháp luật còn chồng chéo. Hiện nay, các khu “đất vàng” này buộc phải bán theo cơ chế tài sản công với nhiều quy định chặt chẽ.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã có rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu sẽ làm các khu du lịch 5 sao để phát triển thêm các cơ sở du lịch dịch vụ. “Với đặc điểm của Huế đang quy định giữ chiều cao tại đường Lê Lợi ven sông Hương, nhất là bờ Nam không quá 5 tầng. Do vậy, khi tính toán các nhà đầu tư rất khó khăn về mặt thiết kế về mặt kiến trúc bố trí sử dụng khiến nhà đầu tư khi làm sẽ không có lãi”, ông Vui thông tin.

Các khu “đất vàng” ở trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ ngay trung tâm thành phố Huế không chỉ vướng về cơ chế bán tài sản công, nếu đầu tư dự án các công trình còn bị hạn chế về chiều cao theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương của UBND tỉnh đã phê duyệt.

Vướng quy định dẫn đến khó kêu gọi đầu tư tại các khu

Nhiều khu đất vàng ở thành phố Huế vẫn bỏ hoang, sau khi di dời các công sở về khu hành chính tập trung

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét lại các trường hợp này, bởi nếu áp dụng bán theo tài sản công sẽ rất khó trong việc kêu gọi các nhà đầu tư.

“Chúng tôi đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho mục đích thương mại dịch vụ, nên cho phép tỉnh thanh lý tài sản trên đất, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai. Người đấu giá được phép trả tiền thuê đất hằng năm hay trả tiền thuê đất một lần, tùy theo năng lực tài chính của nhà đầu tư, có như vậy may ra nhà đầu tư mới tiếp cận được”, ông Phương nêu ý kiến.

Theo Lê Hiếu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...