Tương lai quan hệ Mỹ - Hàn
Việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị luận tội đã tạm thời xóa tan sự bất ổn chính trị tại quốc gia này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mối quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức phía trước trong việc củng cố quan hệ với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump và giải quyết các vấn đề an ninh cấp bách.
Ngày 14.12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua quyết định luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật ngày 3.12. Điều này đồng nghĩa với việc ông Yoon Suk Yeol bị đình chỉ chức vụ cho đến khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có bãi nhiệm ông hay không. Tòa án có 180 ngày để đưa ra quyết định. Trong thời gian này, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống.
Yonhap dẫn lời các chuyên gia nhận định, việc tạm thời ổn định tình hình chính trị có thể giúp Hàn Quốc duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ. Theo ông Troy Stangarone, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Lịch sử Hàn Quốc của Woodrow Wilson Center, "hiện nay đã có một đường lối rõ ràng để các quan chức Mỹ phối hợp với chính quyền lâm thời của Thủ tướng Han Duck-soo, nhằm quản lý các khía cạnh quan trọng trong quan hệ song phương".
Khủng hoảng chính trị xảy ra vào thời điểm quan trọng, khi Hàn Quốc cần tăng cường các nỗ lực ngoại giao với chính quyền mới của Mỹ để duy trì hợp tác an ninh chặt chẽ và đối phó với những thách thức đang nổi lên trong khu vực. Ông Patrick Cronin, chuyên gia về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hudson Institute, cảnh báo rằng tình trạng bất ổn kéo dài có thể khiến Hàn Quốc bỏ lỡ cơ hội hợp tác với chính quyền mới ở Washington. "Một chính phủ bị coi là yếu sẽ dễ trở thành mục tiêu cho các hành động khiêu khích" - ông nói.
Các nhà quan sát cũng nhấn mạnh rằng Hàn Quốc cần củng cố mối quan hệ an ninh với Mỹ, đảm bảo không có lỗ hổng nào trong hệ thống phòng thủ. Theo ông Andrew Yeo, chuyên gia tại Viện Brookings: "Hàn Quốc cần làm việc chặt chẽ với Mỹ để duy trì năng lực phòng thủ và răn đe trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, thông điệp chính trị cũng cần được thể hiện rõ ràng, khẳng định rằng các thể chế dân chủ của Hàn Quốc vẫn hoạt động tốt".
Trước khi ông Han Duck-soo đảm nhiệm vai trò là nhà lãnh đạo lâm thời, Hàn Quốc đã ở trong tình trạng hỗn loạn chính trị khi có nhiều nghi ngờ về việc liệu Tổng thống Yoon Suk Yeol có kiểm soát hiệu quả các vấn đề nhà nước hay không trước sự phản ứng dữ dội của xã hội và chính trị. Nhiều chuyên gia tỏ ra lạc quan về năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Han Duck-soo trong giai đoạn chuyển tiếp này. Với kinh nghiệm từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ từ năm 2009 đến 2012, ông Han được kỳ vọng sẽ là cầu nối quan trọng để duy trì quan hệ song phương.
Ông Sydney Seiler, cựu chuyên gia tình báo tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nhận định: "Ông Han là người phù hợp để đảm nhiệm vai trò này vào thời điểm hiện tại". Nhà ngoại giao kỳ cựu Robert Rapson cũng bày tỏ kỳ vọng vào khả năng lãnh đạo của ông Han, cho rằng, ông là đối tác phù hợp với chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới.
Mặc dù các thách thức vẫn còn, việc ổn định tạm thời dưới sự lãnh đạo của ông Han mang lại hy vọng rằng Hàn Quốc sẽ vượt qua khủng hoảng chính trị hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc tổ chức bầu cử tổng thống mới là cần thiết để khôi phục sự bình thường trong hệ thống chính trị.
Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc cần tận dụng thời gian này để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, an ninh và các vấn đề khu vực, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.