Kim ngạch xuất khẩu nông sản ở Đắk Lắk vượt mốc 1 tỉ USD
Quả ngọt từ xuất khẩu nông sản
Năm 2024 được xem là năm thành công của ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk khi liên tiếp đón nhiều tin vui trong hoạt động xuất khẩu nông sản.
Mới đây, UBND huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) diễn ra Lễ ký kết Hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sản phẩm hạt mắc ca Ea H’leo sang thị trường Hàn Quốc. Đây là cái bắt tay ngọt ngào giữa giữa Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Nông nghiệp Macca Ea H’leo, Công ty TNHH Vietnox Agri và Công ty cổ phần IDEA BUCKET Hàn Quốc.
Sự hợp tác này đã mở ra cơ hội phát triển cho cây mắc ca trên địa bàn huyện Ea H’leo nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Toàn tỉnh này có hơn 4.500ha trồng mắc ca, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn/năm. Riêng địa bàn huyện Ea H’leo đã chuyển đổi thành công 1.200ha cây mắc ca. Năng suất ước đạt 6 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn.
Trước đó, đầu tháng 12.2024, một container 20 feet chứa 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm mang nhãn hiệu Miss Ede cũng được xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Mỹ. Đây là sản phẩm cà phê hoàn chỉnh, được đóng gói tại Việt Nam, không phải cà phê nguyên liệu hay gia công nhãn mác.
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn cho doanh nghiệp và ngành cà phê Việt Nam trong chế biến sâu, nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu thô - bài toán khó nhiều năm của ngành dù Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê.
Liên quan đến sản phẩm chuối, vừa qua, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm, ở huyện M’Dđắk (Đắk Lắk), tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm 20 tấn chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Trước đó, doanh nghiệp này đã khai xuân 2024 bằng 3 container chuối (tương đương với 6 tấn) được xuất khẩu chính ngạch ngay đầu năm mới theo đơn đặt hàng của các đối tác nước Trung Quốc và Hàn Quốc...
Đắk Lắk tăng cường xúc tiến thương mại
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm - cho biết, công ty có trên 100ha chuối, sản lượng bình quân hằng năm đạt 10.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 4 triệu USD. Thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu là Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc và sẽ tiến đến thị trường Nhật Bản.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, xuất khẩu hoa quả chính ngạch ra nước ngoài rất khó. Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật bảo vệ thực vật. Mỗi nước có yêu cầu khác nhau, do đó doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, cho chất lượng tốt nhất.
Về phía doanh nghiệp, bà Hạnh luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của đối tác, từ đó tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm.
Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, việc tạo điều kiện hợp tác, xúc tiến của chính quyền, đặc biệt là ngành công thương trong xúc tiến quốc tế. Như chuyến hàng đầu tiên của Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm sang thị trường Mông Cổ là kết quả của Chương trình kết nối doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp Mông Cổ đồng thời cụ thể hóa nội dung Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và chính quyền tỉnh Orkhon (Mông Cổ).
Hay thành công của container 20 feet chứa 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm mang nhãn hiệu Miss Ede sang thị trường Hoa Kỳ cũng là kết quả từ Vietnam Sourcing Fair - sự kiện xúc tiến thương mại cấp Quốc gia với sự hỗ trợ từ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.