Trung Quốc huy động 3 triệu người mang "bảo vật" đến chôn giữa sa mạc khô cằn nhất thế giới, sau 30 năm, quay lại nhìn cảnh tượng mà khó tin
Một sự thay đổi mang tính “cách mạng” đã âm thầm diễn ra trong 30 năm qua và “lột xác” hoàn toàn khu vực này.
Tại sao nói Taklimakan là "chốn đi dễ, khó về"? Thực chất điều này xuất phát từ chính cái tên của nó. Trong tiếng người Ngô Duy Nhĩ, nơi này được hiểu nôm na rằng "có thể vào đó, nhưng không bao giờ có thể ra ngoài".
Vốn được biết tới là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới, Taklimakan bao phủ trên diện tích lên tới hàng trăm km2, với những cồn cát cao tới 300m. Đây cũng là địa điểm khô cằn hàng đầu, nổi tiếng khắc nghiệt.
Tuy nhiên, nhờ có một cuộc "cách mạng" âm thầm diễn ra trong suốt 30 năm qua, khu vực này đã hoàn toàn lột xác.
Quá trình âm thầm biến đổi suốt 3 thập kỷ
Theo hình ảnh từ vệ tinh, hơn 30 năm trước, vào khoảng thập niên 1980, sa mạc Taklimakan chỉ được miêu tả bằng 2 chữ: Khô cằn. Đây là nơi nhiều cát nhất Trung Quốc. Thành phố Aksu gần đó không phải là nơi để sinh sống vì quanh năm không có lấy một giọt mưa, luôn bị cát bao phủ tới hơn 100 ngày trong một năm. Nơi đây còn có lượng kiềm cao trong đất khiến việc trồng cây trở nên khó khăn.
Từ thời điểm năm 1986, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra dự án đầy tham vọng nhằm biến sa mạc thành rừng. Để thực hiện dự án này, họ huy động khoảng 3,4 triệu người tham gia. Tất cả đều cùng hợp sức để thực hiện 1 hành động, đó là liên tục trồng cây.
Trong giai đoạn từ 1986 đến 2018, ước tính những người tham gia đã trồng tổng cộng hơn 13 triệu cây xanh tại sa mạc Taklimakan.
Song do đặc điểm địa hình sa mạc khô cằn, việc trồng rừng và giữ rừng tại đây là một thách thức vô cùng lớn đối với chính quyền địa phương. Đội ngũ dự án đã phải liên tục sử dụng các đường ống tưới nhỏ giọt để đảm bảo thảm thực vật phát triển.
Để duy trì tưới và nuôi dưỡng cây trồng, hàng trăm trạm giếng nước cũng lần lượt được xây dựng để bơm nước cho cây trồng. Theo cách này, vành đai bụi rậm và cây nhỏ được dựng lên và ngăn cát vượt qua, tạo nên một khu vực thông thoáng lên tới 400km chiều dài và khoảng 70m chiều rộng.
Kể từ đó, thời gian cát bao phủ xuống thành phố giảm xuống trung bình 20 ngày/năm. Từ nơi có khí hậu khô nóng, giờ đây, thời tiết ở thành phố Aksu trở nên có lợi hơn.
Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Tarim dài hơn 500km đi qua sa mạc Taklimakan cũng từ đó được xây dựng nên. Vành đai cây xanh ngăn cát 2 bên, giữ cho con đường thông thoáng để xe cộ đi lại dễ dàng. Nhờ vậy, thành phố Aksu cũng dần dần thu hút du khách nhờ nhiều sản vật địa phương như giống táo giòn ngọt, quả chà là và trái óc chó.
Tất cả người dân đã hợp sức để biến điều không tưởng thành hiện thực, nhờ sử dụng công nghệ "đất hoá sa mạc" hiện đại.
Công nghệ được ấp ủ nhiều năm trời
"Đất hóa sa mạc" là công nghệ được Trung Quốc nghiên cứu và thử nghiệm trong nhiều năm. Tới năm 2013, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Giao thông Trùng Khánh đã thành công chuyển đất cát khô cằn thành đất gieo trồng màu mỡ. Đây được coi là bước tiến quan trọng để để hỗ trợ việc trồng rừng tại sa mạc với chi phí vừa phải. Thông qua kỹ thuật này, cát sẽ được biến đổi với các đặc tính như đất, có thể giữ nước, giữ khí và hấp thụ phân bón.
Để hiện thực hóa ý tưởng biến sa mạc thành đất canh tác cần ý chí chính trị, nhân lực và vật lực (Nguồn: interestingengineering.com)
Ban đầu, thửa đất thử nghiệm đầu tiên được nhóm nghiên cứu lựa chọn nằm ở sa mạc Ulan Buh. Đây là khu vực cần một lượng nước rất ít nhưng lại cho năng suất cao hơn đất chưa qua xử lý.
Theo anh Li Ya – Thành viên nhóm nghiên cứu ở Đại học Giao thông Trùng Khánh cho biết: "Khoảng đất này là khu cải tạo sinh thái sa mạc. Năm 2017, chúng tôi thử nghiệm gieo hạt, sau đó khoảng đất chỉ được tưới vài lần với chưa đến 50m3 nước dùng cho tưới tiêu. Sau đó, dù không có sự can thiệp của con người, cây cối đã tự mọc lên chỉ dựa vào với lượng mưa tự nhiên. Kết cấu đất rất chặt, khác hoàn toàn với sự rời rạc của chất cát ban đầu."
Sau đó, kỹ thuật dần được mở rộng và ứng dụng trên sa mạc Taklimakan. Quá trình "phủ xanh sa mạc" có một bước tiến nhảy vọt, giúp khoảng 666,67 hecta đất sa mạc đã chuyển thành đất trồng trọt, có thể trồng cỏ linh lăng và nhiều hoa màu khác.
Cùng với đó, dự án đường cao tốc sa mạc cũng được phát triển với tiêu chí "không phát thải corbon" để đảm bảo phát triển bền vững. Kể từ năm 2022, Trung Quốc khởi động dự án chuyển đổi nhằm chuyển đổi tất cả các máy phát điện diesel thành máy quang điện tại khu vực này. Các máy phát điện năng lượng mặt trời cũng được trang bị các thiết bị lưu trữ năng lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định và cung cấp điện cho công nhân bảo trì.
Điện được tạo ra từ các tấm pin mặt trời được sử dụng để bơm nước ngầm phục phụ cho mục đích tưới tiêu thảm thực vật. Những cây xanh này sẽ giúp hấp thụ khí thải CO2 thải ra từ các phương tiện chạy qua cao tốc, góp phần thanh lọc không khí và tiết kiệm năng lượng chuyển hoá triệt để. Bằng cách này, cao tốc sa mạc Tarim đã đạt được mục tiêu không ô nhiễm và không tạo ra khí thải.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều nơi khác cũng đang nỗ lực để "xanh hóa sa mạc". Năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra dự án Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ, một hành lang xanh dài 1.400 km từ Porbandar đến Panipat, có thể khôi phục các vùng đất khô hạn của đất nước thông qua việc trồng rừng trên diện rộng.
Shyam Sundar Jyani, người chiến thắng Giải thưởng Land for Life năm 2021 của UNCCD đã trồng hơn 2,5 triệu cây xanh ở bang Rajasthan. Ông trồng các loài cây bản địa và các chiến dịch trồng cỏ của ông đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn dân làng trồng cây ở các khu vực khô cằn khác nhau của Rajasthan.
(Tổng hợp)
Phương Mộc
Nhịp sống thị trường