Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín dụng “rót” vào bất động sản TP. HCM đã vượt mốc 1,1 triệu tỷ đồng

Theo đánh giá, tín dụng bất động sản dù chưa có sự tăng trưởng ổn định theo tháng, nhưng vẫn duy trì được đà tăng dương và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn địa bàn là 2,62%.

Tín dụng “rót” vào bất động sản TP. HCM đã vượt mốc 1,1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh hoạ.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM (khu vực II), tính đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt khoảng 1,116 triệu tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 2,85% so với cuối năm 2024.

Tín dụng bất động sản tiếp tục chiếm gần 1/3 tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, các khoản vay phục vụ nhu cầu mua nhà, chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng, sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn - khoảng 65%, tương đương 727.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước và 0,65% so với cuối năm ngoái.

Ông Lệnh nhận định, tín dụng bất động sản dù chưa có sự tăng trưởng ổn định theo tháng, nhưng vẫn duy trì được đà tăng dương và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn địa bàn là 2,62%.

Đáng chú ý, tín dụng cho nhà ở xã hội đang có dấu hiệu phục hồi. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước khu vực II, đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng nhà ở xã hội đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước. 

Trước đó, tháng 3 mức tăng chỉ đạt 1,7%, còn tháng 2 ghi nhận mức giảm 2,55%.

Dựa theo báo cáo thị trường bất động sản TP. HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) của DKRA Group, sự cải thiện rõ rệt ở phân khúc đất nền trong quý I/2025.

Cụ thể, toàn khu vực ghi nhận 102 dự án đất nền được mở bán sơ cấp, cung ứng ra thị trường hơn 6.530 sản phẩm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung tập trung chủ yếu tại Long An (2.000 nền), Bình Dương (1.800 nền), Đồng Nai (1.450 nền) và TP. HCM (300 nền).

Thanh khoản cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc với 430 nền đất được giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ đạt 6,6%. Dù còn ở mức khiêm tốn, nhưng so với cùng kỳ năm trước (chỉ 74 nền được bán), lượng tiêu thụ đã tăng gấp 6 lần.

Ngược lại, thị trường căn hộ tại TP. HCM tiếp tục trầm lắng trong quý đầu năm. 

Theo báo cáo từ Knight Frank Việt Nam, chỉ 689 căn hộ được giao dịch thành công, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 16%, cho thấy nhu cầu thực vẫn còn yếu và nguồn cung chưa có nhiều khởi sắc.

Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực phía Nam của Batdongsan.com.vn, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay chính là tình trạng khan hiếm nguồn cung tại TP. HCM.

Lượng cung mới trong 4 tháng đầu năm 2025 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Phân khúc căn hộ bình dân và vừa túi tiền gần như biến mất khỏi thị trường, trong khi nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở các dự án cao cấp, hạng sang tại TP. Thủ Đức, Bình Chánh.

Giá bán sơ cấp vì thế tiếp tục tăng, trung bình đạt 91 triệu đồng/m2, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, sức mua tại TP. HCM đang chững lại do giá nhà vượt xa khả năng chi trả của phần lớn người dân. Những chính sách hỗ trợ như ân hạn nợ gốc, lãi suất 0% trong thời gian dài chỉ phần nào giảm bớt áp lực tài chính nhưng chưa đủ để tạo cú hích cho nhu cầu thực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...