Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nợ xấu ngân hàng tăng “nóng’: Hạ nhiệt cách nào?

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2025, cho thấy rủi ro tín dụng đang lan rộng trong hệ thống, đặt ra yêu cầu phải sớm hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế xử lý nợ xấu một cách bài bản, bền vững.

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục gia tăng trong quý I/2025. Ảnh: Đ.H

Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy nợ xấu tại nhóm các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng mạnh, với tổng giá trị vượt 266 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ và hơn 16% so với cuối năm 2024, tương đương mức tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng. Tình trạng gia tăng không chỉ diễn ra ở quy mô tuyệt đối mà còn lan rộng về mặt số lượng, khi có tới 22 ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, có đến 14 nhà băng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, cho thấy khả năng dự phòng đang bị bào mòn trong bối cảnh áp lực lợi nhuận đè nặng.

Diễn biến đáng lo ngại hơn nằm ở cơ cấu của nợ xấu. Theo dữ liệu thống kê, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng hơn 37%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 13%, trong khi nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng hơn 5%. Việc cả ba nhóm nợ xấu cùng gia tăng cho thấy tình trạng suy giảm chất lượng tín dụng không còn giới hạn ở các khoản vay kém chất lượng, mà đã lan sang cả các khoản có độ rủi ro trung bình.

Xét theo từng ngân hàng, quy mô nợ xấu tăng mạnh được ghi nhận tại nhiều tổ chức, trong đó đáng chú ý là một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và nhỏ cũng chứng kiến mức tăng hai chữ số (Saigonbank tăng 46%, VIB tăng 31,6%...). Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực nợ xấu đã lan rộng trên toàn hệ thống, không còn giới hạn ở các ngân hàng lớn hay tập trung vào một vài lĩnh vực tín dụng rủi ro.

Một điểm đáng chú ý trong quý I/2025 là xu hướng gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng lớn. Vietcombank, BIDV, VietinBank, VIB, Techcombank... đều ghi nhận mức tăng nợ xấu từ 8% đến hơn 30% so với đầu năm. Theo đó, tại BIDV, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2025 lên tới 39.908 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,41% lên 1,89%, mức tăng cao nhất trong hệ thống. Trong khi đó, VietinBank ghi nhận tổng nợ xấu 27.971 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 1,24% lên 1,55%. Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,96% cuối năm 2024 lên 1,03% vào cuối tháng 3/2025, tương ứng tổng nợ xấu hơn 15.036 tỷ đồng.

Bức tranh toàn ngành được phản ánh rõ trong báo cáo tổng kết thi hành Nghị quyết 42 và một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng vừa được công bố. Tính đến tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%, phần lớn tập trung tại các ngân hàng yếu kém và thuộc diện kiểm soát đặc biệt. So sánh với các mốc trước đó, cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,75%, tăng so với 4,55% cuối năm 2023 và cao gấp đôi so với mức khoảng 2% vào cuối năm 2022. Như vậy, mặc dù đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ trong quý đầu năm 2025, nhưng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức cao kéo dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an toàn tài chính vĩ mô.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2025 là hệ quả tổng hợp của nhiều yếu tố như di chứng kéo dài từ dịch COVID-19, thiệt hại do bão Lagi, kết thúc chính sách giãn nợ theo Thông tư 02, xuất khẩu suy giảm do chính sách thuế thương mại từ Mỹ… và hệ thống xử lý nợ bảo đảm còn thiếu đồng bộ.

“Để xử lý nợ xấu hiệu quả cần luật hóa quy định, phát triển thị trường mua bán nợ và tăng cường phối hợp liên ngành trong xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, các ngân hàng phải minh bạch hóa thông tin tín dụng, trích lập dự phòng đầy đủ và kiểm soát chặt rủi ro tín dụng từ gốc”, CEO Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận định Nghị quyết 42 từng là “liều thuốc mạnh” giúp hệ thống ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc chậm luật hóa hoặc tích hợp các nội dung cốt lõi của nghị quyết này vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã tạo ra một khoảng trống pháp lý đáng lo ngại.

Vì Nghị quyết 42 chỉ có hiệu lực trong thời hạn nhất định, khi hết hiệu lực mà chưa có hành lang pháp lý thay thế, hoạt động xử lý nợ xấu sẽ rơi vào tình trạng “khoảng không pháp lý”, khiến các tổ chức tín dụng thiếu công cụ đủ mạnh để xử lý tài sản bảo đảm hoặc thu hồi nợ.

“Giải pháp căn cơ hiện nay là cần gia hạn Nghị quyết 42 hoặc luật hóa các nội dung quan trọng của nghị quyết này. Chỉ khi được đưa vào luật, cơ chế xử lý nợ xấu mới có thể ổn định, bền vững và phù hợp với yêu cầu quản trị rủi ro tín dụng dài hạn”, TS Hiếu nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...