Trao thêm quyền cho Chủ tịch tỉnh để “dòng chảy điều hành không đình trệ”
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã dự liệu những vấn đề phát sinh để thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt, năng động cho chính quyền địa phương.
Sáng 14/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
Đề xuất HĐND không bầu Chủ tịch UBND tỉnh
Nêu ý kiến về dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để đảm bảo điều hành linh hoạt, thống nhất toàn quốc hệ thống hành chính quốc gia.
Theo ông Huân, dự thảo luật quy định HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND.
HĐND cũng sẽ bầu các Phó Chủ tịch UBND, ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND. HĐND sẽ miễn nhiệm các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn.
Tuy nhiên, cũng tại dự thảo luật lại quy định, khi Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch UBND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.
“Quy định này đúng Hiến pháp nhưng về mặt logic thì không đảm bảo. HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm. Nếu làm đúng thì lại rắc rối, Thủ tướng mà lại xin ý kiến HĐND mới được miễn nhiệm thì lại làm phức tạp quá trình điều hành”, ông Huân phân tích.
Từ đó, ông Huân đề xuất, nếu giữ quyền điều động, cách chức Chủ tịch UBND của Thủ tướng Chính phủ thì nên sửa đổi quy định về việc HĐND bầu chức danh này.
“HĐND không phải bầu các chức danh chủ tịch UBND nữa mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Như thế sẽ rất thuận. HĐND giới thiệu chức danh chủ tịch, sau đó Thủ tướng phê chuẩn", ông Huân đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: P.Thắng
Với chức danh Phó Chủ tịch, thành viên khác của UBND, ông Huân đề nghị, Chủ tịch UBND sẽ giới thiệu Phó Chủ tịch, thành viên khác để HĐND phê chuẩn 1 lần tại đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động các chức danh này thì Chủ tịch UBND chỉ báo cáo HĐND.
“Quy định như thế sẽ đảm bảo logic và quyền trao cho Thủ tướng rất linh hoạt”, ông Huân nói. Để thực hiện đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần sửa thêm Điều 114 của Hiến pháp, để sửa quy định HĐND bầu các chức danh của UBND cùng cấp.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nhấn mạnh, khi không tổ chức cấp huyện thì nhiều nhiệm vụ, quyền hạn giao cấp xã, cùng với mở rộng địa giới đơn vị hành chính cấp xã. Điều này dẫn đến khối lượng công việc tăng lên rất nhiều.
Do vậy, bà Hương đồng thuận với quy định trong phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp thì “trường hợp cần thiết”, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
“Trước tình hình thực tế hiện nay, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoặc giao Chính phủ quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn trường hợp cần thiết là như thế nào để thuận lợi hơn cho UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh, cũng như đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã trước mắt và lâu dài”, bà Hương nói.
Có những việc rất nhỏ phải đưa lên Trung ương giải quyết?
Với cơ cấu tổ chức của UBND, đại biểu đoàn An Giang cho rằng, dự thảo quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn là cần thiết, phù hợp với chỉ đạo cũng như thực tiễn.
Tuy nhiên, theo bà Hương, cần giao Chính phủ quy định rõ hơn về thành lập cơ quan chuyên môn cấp xã phù hợp tình hình mới với số biên chế được giao.
Nội dung nữa, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết, khoản 2 Điều 11 dự thảo luật quy định phân định thẩm quyền địa phương, những vấn đề liên quan đến 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp tỉnh. Những vấn đề thuộc 2 tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết cấp Trung ương.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định). Ảnh: P.Thắng
Trên thực tế có 2 xã giáp nhau nhưng thuộc 2 tỉnh. Ông Dũng băn khoăn, chuyện khói bụi từ xã này đến xã kia, sạt lở bờ sông của xã này gây sạt lở bờ sông của xã kia, chất thải của xã này gây ảnh hưởng đến cuộc sống của xã kia sẽ phải đưa đến cơ quan Trung ương giải quyết vì thuộc lãnh thổ 2 tỉnh?
“Nếu những việc cụ thể như thế mà phải đưa lên Trung ương giải quyết theo quy định của dự thảo luật thì rất phức tạp, tốn kém”, đại biểu đoàn Nam Định nói. Trong khi, theo ông, những việc này chính quyền 2 xã, 2 tỉnh có thể xử lý được.
Ở góc độ khác, quy định như dự thảo luật sẽ gây ra vấn đề như việc của chính quyền cấp xã sẽ đẩy lên cấp tỉnh, việc cấp tỉnh đẩy lên Trung ương mà không chịu tự giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ Nhân dân.
Do đó, ông Dũng đề nghị cần có biện pháp đơn giản hơn để giải quyết những việc này với phương châm “địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm”. “Tôi đề xuất bổ sung quy định loại trừ là trừ trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó”, ông Dũng góp ý.
Những “trường hợp cần thiết” trao quyền cho UBND, Chủ tịch tỉnh
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập nguyên tắc và yếu tố xuyên suốt của dự thảo luật nhằm thay đổi nền hành chính địa phương. Theo bà, ban soạn thảo xây dựng dự thảo luật, tập trung 4 yếu tố cơ bản, trong đó kế thừa, bổ sung, phân định rành mạch về thẩm quyền.
Bộ trưởng Trà nhấn mạnh đây là nội dung cốt lõi với mục tiêu làm sao phân cấp, phân quyền, ủy quyền rõ giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau, làm cơ sở pháp lý để toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.
“Dự thảo luật lần này xác lập đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, chủ thể, nội dung, hình thức, điều kiện để phân cấp, phân quyền ủy quyền, kèm theo cơ chế kiểm soát để đảm bảo phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trong thực hiện mọi công việc được giao”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: P.Thắng
Trong nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, theo bà Trà, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã phối hợp rà soát thận trọng, kỹ lưỡng, dự liệu những vấn đề phát sinh để thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt, năng động cho chính quyền địa phương.
“Quy định này nhằm đảm bảo trong trường hợp cần thiết, UBND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phải kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, để dòng chảy điều hành thông suốt, không đình trệ, gián đoạn”, bộ trưởng nhấn mạnh, dù phân cấp, phân quyền nhưng không buông lỏng.
Nhiều đại biểu khi phát biểu về nội dung này băn khoăn “vậy thế nào là trường hợp cần thiết?”, Bộ trưởng Trà lý giải, trường hợp cần thiết là khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ nào đó; khi phát sinh vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm vượt quá khả năng giải quyết của cấp dưới; khi các nhiệm vụ đột xuất, bất thường cần phản ứng nhanh và kịp thời; hay khi Chủ tịch UBND tỉnh xác định có dấu hiệu trì trệ, né tránh…
“Thực tiễn rất đa dạng, phong phú, nếu không có cơ chế này, thực sự không đảm bảo được yêu cầu vận hành trơn tru, liên thông, thống nhất, hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh và nói thêm trong Luật Tổ chức Chính phủ cũng có một điều khoản giao Thủ tướng xử lý tình huống trong trường hợp cần thiết.
Bộ trưởng Nội vụ nói thêm qua rà soát, có 474 trong 104 luật, 249 nghị định, thông tư và sẽ phân cấp cho chính quyền địa phương 140 nhiệm vụ, phân định lại thẩm quyền cho chính quyền cấp xã 300 nhiệm vụ cùng với 90/99 nhiệm vụ trong luật hiện hành.
Bên cạnh đó, với những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng như quy định trong điều khoản chuyển tiếp, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ và tối đa.
Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.