Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng gợi ý nghiên cứu triển khai lấn biển tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu triển khai lấn biển để tạo không gian phát triển, quỹ đất mới.

Thủ tướng gợi ý nghiên cứu triển khai lấn biển tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP

Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng nêu ra tại hội nghị lần thứ 2 với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quan trọng, giúp "mở đường", chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Phát triển vùng thành trung tâm dịch vụ của Đông Nam Á

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đề xuất 6 định hướng phát triển. Đầu tiên là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á.

Đồng bằng sông Hồng cũng sẽ định hướng xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, có giá trị kinh tế cao, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn.

Bên cạnh đó, một trong những định hướng quan trọng trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng là thúc đẩy khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng; chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Vùng cũng sẽ tổ chức không gian phát triển hợp lý gồm: 3 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế - 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng - 1 hành lang ven biển - 2 vùng động lực phát triển - 2 tiểu vùng kinh tế-xã hội. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Về chiến lược phát triển, Đồng bằng sông Hồng được xác định sẽ phát triển có trọng tâm, trọng điểm mạng lưới các khu vực kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng; phát triển các đô thị chủ đạo trên các tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiểm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Nghiên cứu, ban hành và thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới về liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.

Nghiên cứu xây sân bay quốc tế phía nam đồng bằng sông Hồng

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm rõ hơn những động lực tăng trưởng mới, như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi năng lượng mới, phát triển ngành công nghiệp tái tạo (nắng, gió, Hydrogen); phát triển hệ sinh thái để phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy văn minh lúa nước.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác hiệu quả quỹ đất, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu triển khai lấn biển để tạo không gian phát triển, quỹ đất mới.

Riêng về hàng không, Thủ tướng cho rằng khu vực phía bắc đồng bằng đã có 3 sân bay (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng cần liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi gần đây vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Theo Lê Sáng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...