Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn vốn Trung Quốc rời Phương Tây về ĐNÁ: Kẻ cười người khóc vì thị trường đầu cơ BĐS biến động, cơ hội việc làm dịch chuyển sang nước khác

Liệu sự thiếu vắng hàng trăm tỷ USD nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc có khiến nhiều nền kinh tế hối hận?

Nguồn vốn Trung Quốc rời Phương Tây về ĐNÁ: Kẻ cười người khóc vì thị trường đầu cơ BĐS biến động, cơ hội việc làm dịch chuyển sang nước khác - Ảnh 1.

Theo Wall Street Journal (WSJ), dòng vốn Trung Quốc từng làm mưa làm gió tại Phương Tây, thực hiện vô số thương vụ kỷ lục, thâu tóm những khu đất vàng hay các khách sạn 5 sao ở New York, mua những nhà máy ở Thụy Sĩ hay Đức, thì giờ đây đã chuyển hướng về Đông Nam Á, Nam Mỹ hay Trung Đông.

Cụ thể, ngày càng nhiều nguồn vốn từ Trung Quốc đổ về các nhà máy ở Đông Nam Á, mỏ khai khoáng và dự án năng lượng ở Trung Đông và Nam Mỹ nhằm tạo thêm đồng minh cũng như kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên trọng điểm.

Một ví dụ điển hình gần đây là việc Trung Quốc đầu tư vào mỏ khai thác Nickel của Indonesia. Đây là nguyên liệu chủ chốt cho việc sản xuất ắc quy của ngành xe điện, vốn đang là xu thế mới bùng nổ cũng như là mảng công nghệ chạy đua của nhiều nước hiện nay.

Nguồn vốn Trung Quốc rời Phương Tây về ĐNÁ: Kẻ cười người khóc vì thị trường đầu cơ BĐS biến động, cơ hội việc làm dịch chuyển sang nước khác - Ảnh 2.

Tờ WSJ nhận định sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư này cho thấy câu trả lời của chính quyền Bắc Kinh trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung hiện nay, đồng thời thể hiện khả năng tận dụng thương mại đầu tư nhằm kiến tạo đồng minh trên thế giới.

Cũng theo WSJ, việc Trung Quốc rút vốn khỏi Phương Tây có thể làm giảm các cơ hội việc làm ở một số thị trường, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính của nhiều doanh nghiệp công nghệ.

Một báo cáo gần đây cho thấy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và 25% so với mức đỉnh năm 2016. Chính quyền Bắc Kinh siết chặt nguồn vốn được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) khủng của Trung Quốc dần biến mất.

Thậm chí ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mở cửa trở lại vào năm ngoái nhưng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn chưa trở lại được như xưa khi xung đột với Phương Tây leo thang.

Ở trong nước, đồng nội tệ thấp cùng những rủi ro ở nhiều mảng kinh doanh, từ bất động sản cho đến công nghệ đã khiến chính quyền Bắc Kinh dồn lực xây dựng nền kinh tế nội địa, tự lực tự cường hơn là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, qua đó cũng hạn chế nguồn vốn đầu tư cho Phương Tây.

Kẻ thắng người thua

“Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nền kinh tế phát triển đang giảm”, chuyên gia kinh tế trưởng Louis Kuijs của S&P Global Ratings nhận định.

Điều trớ trêu là điều này diễn ra trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong 3-5 năm tới sẽ tăng khi Trung Quốc cần kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược cũng như kiến tạo thêm đồng minh.

Nguồn vốn Trung Quốc rời Phương Tây về ĐNÁ: Kẻ cười người khóc vì thị trường đầu cơ BĐS biến động, cơ hội việc làm dịch chuyển sang nước khác - Ảnh 3.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ đổ tiền mạnh vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe điện, khai khoáng...qua đó tập trung đến các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, Trung Đông hay Châu Phi. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải tìm địa điểm để mở rộng sản xuất, khai thác thị trường, khách hàng mới trong khi chính quyền Bắc Kinh sẽ chú ý đến các nền kinh tế giàu tài nguyên.

Một ví dụ là mới đây, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD tuyên bố sẽ đầu tư hơn 600 triệu USD để mở vài nhà máy tại Brazil.

Trong khi đó, chuyên gia Derek Scissors của Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định nguồn vốn Trung Quốc sẽ không thể quay lại thời kỳ đỉnh cao năm 2016. Mặc dù nền kinh tế Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì điều này nhưng các thị trường khác như Australia, Canada hay Hungray thì có thể bị tác động.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế trưởng Jim Costello của MSCI Real Assets nhận định việc thiếu nguồn vốn Trung Quốc sẽ khiến nạn đầu cơ bất động sản giảm sút, gây hạ giá nhà đất ở các thị trường như Canada, Australia và Mỹ.

“Khi nguồn vốn Trung Quốc mua vào bất động sản, họ kéo theo cả thị trường vì khiến mọi người chạy theo cuộc chơi và điều ngược lại có thể xảy ra”, ông Costello cảnh báo.

Một ví dụ điển hình là vào giữa thập niên 2010, nguồn vốn Trung Quốc đã làm sôi động thị trường bất động sản New York. Tập đoàn bảo hiểm Anbang đã mua lại khách sạn Waldorf Astoria với giá 1,95 tỷ USD năm 2015, mức giá kỷ lục cho một khách sạn thời đó, đồng thời đánh dấu sức mạnh của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Thế nhưng vào năm 2018, Anbang đã bị chính phủ tiếp quản ít lâu trước khi nhà sáng lập bị kết án 18 năm tù giam vì tội lừa đảo tài chính. Một kế hoạch tiếp quản khách sạn Waldorf Astoria kể từ đó đến nay vẫn chưa được hoàn thành.

Nguồn vốn Trung Quốc rời Phương Tây về ĐNÁ: Kẻ cười người khóc vì thị trường đầu cơ BĐS biến động, cơ hội việc làm dịch chuyển sang nước khác - Ảnh 4.

Midea thâu tóm hãng sản xuất robot Kuka của Đức

Trên thực tế không riêng gì Trung Quốc, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia bao gồm cả Mỹ đã suy giảm. Số liệu của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên toàn cầu đã giảm 14% trong năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là nỗi sợ lạm phát, khủng hoảng hay bất ổn của thị trường tài chính khiến các nhà đầu tư không chịu rút ví.

Tuy nhiên câu chuyện suy giảm nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc phức tạp hơn nhiều.

Chuyển hướng

Số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 18% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 147 tỷ USD năm 2022, thấp hơn so với mức đỉnh 196 tỷ USD năm 2016.

Trước năm 2016, chính quyền Bắc Kinh khuyến khích doanh nghiệp đổ tiền ra nước ngoài để hỗ trợ mở rộng nền kinh tế Trung Quốc. Hãng loạt những tập đoàn lớn như HNA hay Dalian Wanda đã đổ tiền ra nước ngoài để mua ngân hàng, khách sạn, rạp hát...

Xu thế này thậm chí được so sánh với đà thu mua của doanh nghiệp Nhật Bản với thị trường Mỹ thập niên 1980, nhắm đến các nhà máy thép, khách sản hay xưởng làm phim.

Thế nhưng sau năm 2016, những rủi ro về nguồn vốn và thị trường tài chính đã khiến chính quyền Bắc Kinh đảo ngược chính sách, thắt chặt kiểm soát tiền tệ và bắt đầu điều tra những thương vụ khủng.

Tình hình này càng được củng cố khi mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng hơn. Vậy là Trung Quốc chuyển hướng sang những thị trường mới nổi cũng như thận trọng hơn khi đổ hàng tỷ USD cho các dự án để đề phòng khi xung đột địa chính trị diễn ra.

Báo cáo của viện AEI cho thấy Trung Quốc thực hiện 120 thương vụ đầu tư lớn năm 2016 cho các thị trường thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), khoảng 63 trong số đó là ở Mỹ. Rất nhiều thương vụ khủng như việc Midea thâu tóm hãng sản xuất robot Kuka của Đức hay hãng sản xuất máy in Lexmark của Mỹ bị Trung Quốc mua lại.

Thế nhưng vào năm 2022, con số đầu tư này chỉ còn lại 13 thương vụ.

Nguồn vốn Trung Quốc rời Phương Tây về ĐNÁ: Kẻ cười người khóc vì thị trường đầu cơ BĐS biến động, cơ hội việc làm dịch chuyển sang nước khác - Ảnh 5.

Năm 2016, các doanh nghiệp Trung Quốc chi đến 84 tỷ USD cho G7, chiếm một nửa tổng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của họ thì vào năm 2022, con số này tụt xuống chỉ còn 7,4 tỷ USD và chỉ chiếm 18% tổng số.

Tương tự, báo cáo của hãng nghiên cứu Rhodium Group cho thấy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc vào thị trường Châu Âu cũng xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ đạt 8,8 tỷ USD năm 2022.

Mặc dù mảng xe điện nhận được nhiều nguồn vốn từ Trung Quốc nhưng chúng chẳng thể bù đắp được đà giảm đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tại Phương Tây.

Trái ngược lại, nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đến Châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông trong năm 2022 đã đạt 24,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng loạt những thương vụ đình đám như Tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc (CNOOC) đổ 1,9 tỷ USD vào thị trường Brazil hay BYD tiếp cận thị trường Thái Lan.

Riêng Indonesia chiếm khoảng 17% trong tổng số 29,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, đứng đầu trong số các thị trường nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản của mình. Tuy nhiên thứ hạng này có thể thay đổi theo thời gian khi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đồng minh cũng như nguồn tài nguyên chiến lược khác.

*Nguồn: WSJ

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...