Nền kinh tế Israel có nguy cơ rơi vào khủng hoảng vì xung đột với Hamas
Nền kinh tế Israel từng phục hồi sau các cuộc xung đột trước đây với Hamas, nhưng lần này có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Theo nhận định của AP ngày 1/11, mới tháng trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã dự đoán một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng mới ở Trung Đông, dựa trên sự hòa hợp ngày càng tăng của Israel trong khu vực. Hiện tại, khi cuộc chiến với Hamas của Israel bước sang tuần thứ 4, tầm nhìn đó đang tan vỡ.
Việc huy động 360.000 quân dự bị và sơ tán 250.000 người Israel khỏi nơi ở đã khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Các nhà hàng và cửa hàng đều trống không. Các hãng hàng không đã hủy hầu hết các chuyến bay đến Israel và khách du lịch đã hủy chuyến. Một mỏ khí đốt tự nhiên chính của nước này đã bị đóng cửa, các trang trại ngừng hoạt động vì thiếu nhân viên và các doanh nghiệp đã sa thải hàng chục nghìn lao động.
Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt nhóm Hamas ở Dải Gaza sau khi nhóm này đột kích vào Israel khiến 1.400 người thiệt mạng và bắt hơn 240 người khác làm con tin ngày 7/10. Các cuộc không kích trả đũa của Israel đã san phẳng các khu dân cư ở Gaza và khiến trên 8.000 người thiệt mạng.
Nền kinh tế Israel đã phục hồi sau các cuộc chiến trước đây với Hamas, nhưng vòng xoáy bạo lực lần này có thể kéo dài lâu hơn, vì tuyên bố của quân đội Israel là chấm dứt sự kiểm soát của Hamas.
Leo thang xung đột là một mối đe dọa hữu hình. Israel đã tham gia cuộc chiến ở cấp độ thấp trên ba mặt trận khác – Liban, Bờ Tây và Syria. Xung đột kéo dài và xảy ra trên nhiều mặt trận có thể khiến nền kinh tế Israel khó phục hồi hơn trước. Và ngay cả trước xung đột, nền kinh tế Israel đã suy yếu do đề xuất gây tranh cãi của Thủ tướng Netanyahu liên quan đến cải cách tư pháp.
Bộ Tài chính Israel đã trình bày một kế hoạch viện trợ kinh tế bao gồm 1 tỷ USD tài trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do giao tranh. Những người chỉ trích nói rằng đó là chưa đủ và trong tuần này, một nhóm gồm 300 nhà kinh tế hàng đầu đã kêu gọi ông Netanyahu và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich “tỉnh táo”.
Vấn đề tài chính đang vẽ lên một bức tranh ảm đạm. Giá trị đồng nội tệ của Israel (shekel) đã chạm mức thấp nhất trong 14 năm, trong khi chỉ số chứng khoán chuẩn giảm khoảng 10% trong năm nay. Ngành công nghệ, động lực tăng trưởng kinh tế của Israel, đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng "chảy máu" ngay cả trước khi xung đột nổ ra.
Fitch Ratings, Moody's Investor Service và S&P đều cảnh báo trong những ngày gần đây rằng xung đột leo thang có thể dẫn đến việc hạ xếp hạng nợ công của Israel. Ngân hàng trung ương Israel cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ 3% xuống 2,3% - dựa trên kịch bản rằng giao tranh được kiềm chế ở miền Nam nước này.
Khi bắt đầu giao tranh, Israel đã ra lệnh cho Chevron ngừng sản xuất tại mỏ khí đốt tự nhiên Tamar để giảm thiểu nguy cơ bị tên lửa tấn công. Chuyên gia năng lượng Amit Mor ước tính việc đóng cửa có thể khiến Israel mất 200 triệu USD doanh thu mỗi tháng.
Chuyên gia Mor cho biết, nếu lực lượng Hezbollah, đồng minh của Hamas ở Liban, tham gia cuộc chiến với toàn bộ lực lượng, điều đó có thể ảnh hưởng đến sản xuất tại hai mỏ khác, bao gồm cả mỏ lớn nhất của Israel.
Ngay cả trước khi chiến tranh nổ ra, Israel đã gặp khó khăn kinh tế.
Ngân sách của nước này, vốn từng gia tăng nhờ các khoản đầu tư công nghệ, giờ đã bị ảnh hưởng bởi đề xuất cải tổ tư pháp. Khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Israel, thu hút kỷ lục 27 tỷ USD vào năm 2021, đã giảm gần một nửa vào năm ngoái.
Theo Viện Chính sách Khởi nghiệp Quốc gia của Israel, do các nhà đầu tư lo sợ trước đề xuất của tòa án và các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra, các khoản đầu tư đã giảm thêm 68% trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Với công nghệ chiếm 48% xuất khẩu của Israel, lĩnh vực này rất quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia Do Thái.
Ngoài ra, những lo ngại về thắt chặt quản lý của Israel, lạm phát gia tăng và suy giảm đầu tư công nghệ trên toàn thế giới vào năm ngoái cũng đè nặng lên nền kinh tế nước này.
Theo Công Thuận
Báo tin tức