Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mưa lớn kéo dài, Yên Bái và Lào Cai nâng cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 9/9, lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Hà Giang, Tuyên Quang), sông Cầu (Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) tại trạm Lục Nam đã đạt đỉnh ở mức 6,72 m lúc 10 giờ ngày 9/9, trên báo động 3 là 0,42 m và đang xuống chậm; sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang tiếp tục xuống.

Mực nước lúc 13 giờ ngày 9/9, trên các sông như sau: Sông Thao tại Yên Bái là 33,98 m, trên báo động 3 là 1,98 m. Sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,18 m, dưới báo động 2 là 0,12 m. Sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,82 m, trên báo động 2 là 0,52 m. Sông Lục Nam tại Lục Nam là 6,67 m, trên báo động 3 là 0,37 m. Sông Hoàng Long tại Bến Đế là 3,27m, dưới báo động 2 là 0,23 m. Sông Lô tại Tuyên Quang là 21,82 m, dưới báo động 1 là 0,18 m. Sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,12 m, trên báo động 1 là 0,12 m. Sông Hồng tại Hà Nội là 6,76 m, dưới báo động 1 là 2,74 m.

Trong tối 9/9, lũ trên sông Lục Nam xuống dưới báo động 3. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang tiếp tục lên nhanh trên mức báo động 1, tại Vụ Quang tiếp tục lên nhanh nhưng vẫn dưới mức báo động 1. Lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục và duy trì ở trên mức báo động 3 (lũ tại Yên Bái tương đương năm 2008). Lũ trên sông Thao tại Phú Thọ tiếp tục lên mức báo động 1. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức báo động 2, sông Thương lên mức báo động 3 và sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 1. Lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế xuống mức báo động 1. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh nhưng vẫn ở mức dưới báo động 1.

Trong đêm 9/9 và ngày 10/9, lũ trên sông Lục Nam sẽ xuống mức báo động 2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang tiếp tục lên nhanh vượt mức báo động 2 vào sáng 10/9; tại Vụ Quang tiếp tục lên nhanh vượt mức báo động 1 vào chiều 10/9. Lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái sẽ biến đổi chậm duy trì ở mức trên báo động 3 (Lũ tại Yên Bái tương đương năm 2008). Lũ trên sông Thao tại Phú Thọ tiếp tục lên vượt mức báo động 1. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên mức báo động 3, sông Thương lên trên mức báo động 3 và sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 2. Lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống dưới mức báo động 1. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở mức báo động 1 vào đêm 10/9.

Cảnh báo, từ chiều 9/9 đến ngày 11/9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3.

Tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 3.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng- Thái Bình. Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng - Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.

* Mưa lớn và lũ tại Bắc Bộ và Thanh Hóa còn kéo dài trong những ngày tới

Nhận định về tình hình mưa lớn và lũ tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, chiều 9/9, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, mưa lớn và lũ tại khu vực trên sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, cần đề phòng khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

“Căn cứ vào diễn biến mưa lũ đã qua và dự báo thời gian tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã nâng cấp độ rủi ro thiên tai ở 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái lên cấp 3”, Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý.

Cùng với đó, từ ngày 10-11/9, khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa và mở rộng xuống khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) với lượng mưa phổ biến 50-100 mm. Đối với tình hình lũ, lũ lớn trên sông Thao, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam sẽ lên trên mức báo động 3 trong 24 giờ tới, riêng sông Thao vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, mực nước tại Yên Bái đỉnh lũ khả năng tương đương lũ năm 2008 (34,26m). Ngập lụt sâu diện rộng tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quan, Bắc Giang, Thái Nguyên, đặc biệt là Lào Cai, Yên Bái. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao ở các sườn đồi dốc, taluy tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đặc biệt là Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Đề cập đến nguyên nhân gây ra đợt mưa lũ này, Giám đốc Mai Văn Khiêm cho rằng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và tác động của một vùng xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển từ tầng thấp (1.500 m) lên tầng cao (5.000 m) kết hợp với hội tụ gió Tây Nam.

Theo ông Mai Văn Khiêm, thời điểm này cũng là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cũng như hiện tượng mưa rào, dông. Do vậy, khu vực vùng núi Bắc Bộ khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động ứng phó, chính quyền địa phương và người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng
thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực; đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

"Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa, ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua cho thấy, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó sớm thì thiệt hại giảm đi đáng kể. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời. Các Công ty Thủy điện, chủ hồ vận hành hồ chứa xả lũ đúng quy trình; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu vực dân cư hạ du. Người dân tuyệt đối không lội qua sông suối, cầu tràn, ngầm tràn, đánh bắt cá vớt củi trên sông, không đi qua hay lại gần những khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở",  ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh./.

Diệu Thúy


Tác giả: Trần Diệu Thúy
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...