Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức viện trợ lô vắc xin lớn nhất từ trước đến nay cho Việt Nam

Cuối năm 2021, đầu năm 2022 các lô vắc xin COVID-19 tiếp theo với tổng cộng 4.000.230 liều của BioNTech/Pfizer đã về đến Hà Nội. Đợt hỗ trợ vắc xin này được thực hiện qua chương trình COVAX, với sự phối hợp chặt chẽ của UNICEF, WHO Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.

Đại sứ quán Đức cho biết, đây là lô vắc xin lớn nhất từ trước đến nay mà Đức viện trợ cho Việt Nam để ủng hộ chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam. Trong năm 2021, Đức cũng đã nhiều lần cung cấp vắc xin và trang thiết bị y tế cho Việt Nam.

Lô vắc xin này nâng tổng số vắc-xin mà Đức tặng Việt Nam lên hơn 10 triệu liều.

Đại sứ Đức tại Việt Nam, TS Guido Hildner, nói rằng số ca nhiễm vẫn ở mức cao cùng sự xuất hiện của biến chủng lây lan nhanh trên toàn cầu Omicron cho thấy phải còn rất lâu nữa chúng ta mới chiến thắng được đại dịch.

”Năm 2022, nước Đức vẫn sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại các tác động của đại dịch đồng thời cung cấp các lô vắc xin tiếp theo qua cơ chế COVAX. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi nó được khống chế ở khắp mọi nơi. Chính vì vậy, Đức và Liên minh châu Âu ủng hộ chiến dịch tiếp cận công bằng và minh bạch vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu qua cơ chế COVAX”, Đại sứ Hildner nói.

Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhấn mạnh, vắc xin do Chính phủ Đức hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam trong nỗ lực đưa vắc xin đến với mọi người dân, bao gồm cả tiêm liều tăng cường. Biến thể Omicron đe dọa gia tăng số người nhiễm COVID-19, Bộ Y tế đang nỗ lực nhằm đảm bảo mọi người được tiêm liều tăng cường ngay khi họ có đủ điều kiện, vì điều này sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và tránh cho các bệnh viện khỏi bị quá tải.

Cơ chế COVAX được đồng lãnh đạo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh vắc xin (GAVI), UNICEF là đối tác thực hiện chính. Mục tiêu của cơ chế này là thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất vắc xin COVID-19 cũng như đảm bảo việc tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới.

Năm 2020, nước Đức đã đồng sáng lập cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) và hiện là nước tài trợ lớn thứ hai với số tiền đóng góp là 2,2 tỉ euro.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...