Đẩy nhanh tiến độ các đoạn cao tốc Bắc-Nam: Sức ép từ Bộ trưởng Giao thông
Trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đang thi công, có 4 đoạn đầu tư công phải hoàn thành trong tháng này. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng tới hạn, liệu tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tạo ra sức ép và thúc đẩy thế nào trước khối lượng công việc và chất lượng cần hoàn thành?
Nguy cơ chậm tiến độ
Sau nhiều lần xuất hiện trên công trường của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, tiến độ làm cao tốc bây giờ ra sao? Các đoạn cao tốc đầu tư công có mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 12 này (gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) cơ bản được địa phương bàn giao mặt bằng toàn bộ. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn còn 14 vị trí vướng đường điện, tới nay vẫn chưa di dời xong để nhà thầu có mặt bằng thi công.
Trong các dự án trên, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 nguy cơ cao chưa thể thông toàn tuyến vào cuối tháng này, khi dự án mới đạt khối lượng tổng thể 76% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 4% so với yêu cầu. Dự kiến, cuối năm nay chỉ có đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Đồng Xuân (Đông Sơn, Thanh Hóa, dài 53km) thông xe kịp tiến độ. Riêng đoạn Đồng Xuân - Quốc lộ 45 (Thanh Hoá, dài hơn 10km) hiện còn 21 vị trí phải xử lý nền đất yếu. Trong số đó, có 8 vị trí chưa thể thi công lớp móng và mặt đường, nên khó có khả năng hoàn thành vào cuối tháng này theo kế hoạch, có thể phải kéo dài sang quý 1 năm sau. “Dù phải đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, nhưng chất lượng vẫn không thể bỏ qua, việc thi công phải đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng khai thác sau này”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho hay, tại khâu khảo sát thi công tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã xác định các vị trí nền đất yếu, biện pháp thi công. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế vẫn có sai số, một số vị trí độ lún thực tế cao hơn tính toán ban đầu, cùng với việc mặt bằng nhận chậm nên chưa đủ thời gian. “Dù nhà thầu đã tăng cường máy móc, thiết bị, nhân sự thi công liên tục, nhưng khối lượng thi công còn lại của phần xử lý đất yếu còn rất lớn, lại sát thời gian, nên cần thời gian thêm để đảm bảo chất lượng công trình”, đại diện chủ đầu tư lý giải.
Đoạn Đồng Xuân - Quốc lộ 45 do Tổng Cty Vinaconex làm nhà thầu chính, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung làm nhà thầu phụ. Bộ GTVT vừa yêu cầu hoàn thành xử lý nền đất yếu hoàn thành trong tháng 12 này, đồng thời chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân sự, vật liệu để thi công bù tiến độ, đảm bảo hoàn thành thảm các lớp bê tông nhựa trong tháng. Ban quản lý dự án Thăng Long được yêu cầu xem xét điều chuyển khối lượng thi công của nhà thầu phụ Cty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung sang nhà thầu chính (Vinaconex) thực hiện. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu chuyển khối lượng thi công của nhà thầu Tổng Cty Đầu tư xây dựng Hoàng Long sang Cty CP Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trường hợp, Công ty Hoàng Long tiếp tục thi công không đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư xem xét thực hiện thủ tục công bố nhà thầu không hoàn thành hợp đồng làm cơ sở loại hồ sơ nhà thầu này ở các gói thầu, dự án sau.
Xem xét trách nhiệm
Về tiến độ các dự án trên, cập nhật tới đầu tháng 12 của các chủ đầu tư cho thấy, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thi công chỉ còn khoảng 3%, chủ yếu hạng mục đường gom, nút giao, hàng rào. Dự án vẫn chậm gần 2% so với yêu cầu, nhưng Bộ GTVT tự tin sẽ khánh thành vào cuối tháng này theo đúng cam kết.
Trong khi đó, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thi công đạt gần 61% giá trị hợp đồng (chậm khoảng 12% so với yêu cầu); đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thi công đạt 67% giá trị hợp đồng (chậm gần 10% so với yêu cầu). Các Ban quản lý dự án, nhà thầu cam kết huy động máy móc, nhà thầu phụ để thi công tăng ca, tăng kíp đảm bảo thông xe kỹ thuật toàn tuyến các dự án này trong năm nay (trừ đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45). Dù thông xe kỹ thuật, nhưng còn một số hạng mục, lớp thảm mặt đường cuối cùng để đưa vào khai thác sẽ tiếp tục được thi công và hoàn thành trong quý 1 năm sau.
Lý giải nguyên nhân các dự án trên bị chậm tiến độ so với yêu cầu, chủ đầu tư (các Ban quản lý dự án của Bộ GTVT) các dự án đều nêu lý do thời tiết mưa nhiều trong 2 năm thi công vừa qua, các dự án phải dừng do dịch COVID-19... Cụ thể, năm nay, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải dừng thi công do mưa 135 ngày, dừng do dịch bệnh 2 tháng; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dừng do mưa 119 ngày, dừng do dịch 1 tháng; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dừng do mưa 127 ngày, dừng do dịch 1 tháng; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dừng do mưa 138 ngày, ảnh hưởng dịch dừng 3 tháng... Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nhìn nhận, có tình trạng năng lực tài chính của một số nhà thầu thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt khi giá nhiên, vật liệu tăng cao làm ảnh hưởng tiến độ thi công.
Một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, thời gian còn lại, bộ tiếp tục đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tới mức tối đa để đạt mục tiêu cam kết, trên cơ sở chất lượng không thể bỏ qua. Đặc biệt, bộ sẽ có hình thức xem xét trách nhiệm nếu có vi phạm về tiến độ, chất lượng với từng chủ thể tham gia dự án…
Bộ GTVT cũng vừa phát thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng liên quan tiến độ đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, lãnh đạo bộ này giữ mục tiêu thông xe kỹ thuật 2 đoạn cao tốc trên ngày 31/12 tới, hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023. Ông Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các gói thầu. Nhà thầu nào không đạt mục tiêu cam kết sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các gói thầu cao tốc sắp tới. Về nguyên nhân các dự án chậm tiến độ, ông Thắng cũng chỉ rõ trách nhiệm các ban quản lý dự án chậm xử lý nhà thầu yếu kém...
Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong