Công ty Trung Quốc phóng vệ tinh trang bị ‘não bộ’ AI
Nhà phát triển vệ tinh cho biết vệ tinh mới này có một bộ xử lý thông minh cho phép nó xử lý dữ liệu mà không cần gửi lại cho trạm điều khiển trên mặt đất.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), một công ty Trung Quốc vừa hoàn thành phóng một vệ tinh được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI), với mục đích cuối cùng là tạo ra tàu vũ trụ tự điều khiển.
Đầu tháng 8, các nhà khoa học đã phóng WonderJourney-1A, hay WJ-1A, từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Nội Mông. WJ-1A có một bộ xử lý thông minh cài đặt sẵn được gọi là Nền tảng AI String Edge.
“Nền tảng đóng vai trò là bộ não của vệ tinh, cho phép quan sát và xử lý dữ liệu theo thời gian thực. Thông thường, dữ liệu phải được gửi trở lại trung tâm điều khiển mặt đất để phân tích và hướng dẫn. Nhưng WJ-1A có thể xử lý nó khi đang bay”, Chen Junrui, phát ngôn viên của nhà phát triển STAR.VISION trụ sở tại Hàng Châu, giải thích.
“WJ-1A là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc trang bị AI ở mô-đun, có hệ điều hành thông minh và sẽ sớm được đưa vào hoạt động”, người đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của công ty Wang Chunhui trả lời phỏng vấn Nhật báo Chiết Giang vào tuần trước.
Cái tên WonderJourney được lấy cảm hứng từ nhà triết học Trung Quốc cổ đại Zhuangzi, người đầu tiên định nghĩa khái niệm “vũ trụ”.
Hiện tại, nhiệm vụ chính của vệ tinh AI này là thử nghiệm hệ thống và xác thực, đánh giá hiệu quả các ứng dụng thông minh khác nhau khi vệ tinh bay trên quỹ đạo. Các ứng dụng này bao gồm từ kết nối với ô tô thông minh và máy bay không người lái đến kiểm soát dịch bệnh, giám sát và đánh giá các điều kiện môi trường như vị trí cháy rừng, độ ẩm của đất.
“WJ-1A được trang bị camera độ phân giải cao, camera cận hồng ngoại và camera toàn cảnh VR, cho phép thực hiện nhiều tác vụ xử lý hình ảnh khác nhau. Thông qua hiểu biết ngữ nghĩa hình ảnh, nó có thể phân biệt rừng và đại dương. Nó cũng có khả năng xác định mục tiêu, làm sạch dữ liệu”, đại diện Chen nói.
Theo thông số mà công ty đưa ra, trên thực tế, vệ tinh có thể phân tích diện tích 10.000 km vuông và thực hiện theo dõi đối tượng động chỉ trong vài giờ, trong khi các vệ tinh truyền thống thường cần khoảng 180 ngày cho các nhiệm vụ tương tự.
Đại diện Chen chỉ ra rằng giống như khoa học viễn tưởng, String sẽ trở thành một “trợ lý AI trong không gian”. Người dùng trên mặt đất sẽ có thể nói chuyện với nó giống như cách mọi người có thể làm với các chương trình AI như ChatGPT.
“Nó giống như một ‘bộ não’ chưa được khai thác, để làm cho nó thông minh hơn, cần có nhiều người dùng từ các ngành khác nhau dạy nó. Mục tiêu là cho phép con người tương tác với tàu vũ trụ, cho phép vệ tinh cảnh báo tự động về các tình huống không thể phân tích từ bề mặt Trái Đất và tiếp tục tìm hiểu mà không cần gửi một lượng lớn dữ liệu về Trái đất”, nhà phát triển STAR.VISION bày tỏ hy vọng.
Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để giúp ứng phó tình huống khẩn cấp. Quá trình xử lý dữ liệu theo thời gian thực có thể cho phép vệ tinh thông báo ngay lập tức cho bộ phận kiểm soát mặt đất về các thảm họa như sạt lở đất, sập đường hoặc các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão. Nó cũng có thể điều tra các khu vực trồng trọt, ô nhiễm nước và khai thác gỗ trái phép.
Hiện tại, bộ xử lý thông minh trên bo mạch có tốc độ xử lý 80.000 tỷ hoạt động mỗi giây (TOPS) – ít hơn 144 TOPS được tìm thấy trong chip Tự lái hoàn toàn của Tesla.
Khả năng tính toán của nó có thể bị hạn chế bởi các nhược điểm về năng lượng thường được tìm thấy trong các vệ tinh, nhưng nhà sáng lập Wang cho biết công ty hy vọng nó sẽ tăng lên hơn 100 TOPS vào cuối năm nay.
Chen cho biết công ty đang làm việc với các đối tác bao gồm Cơ quan Vũ trụ Rwandan và Đại học Sultan Qaboos ở Oman để khám phá những khả năng mới về các thuật toán áp dụng và giúp họ đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI.
Công ty cũng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới WonderJourney lên 20 vệ tinh vào cuối năm 2024 với sự hợp tác của các đối tác của công ty, nhằm tăng phạm vi phủ sóng và hiệu quả liên lạc.
Theo SCMP
Theo Bảo Hà
Báo tin tức