Sự thống trị của đồng USD vững như bàn thạch, khối BRICS cũng chưa thể giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ: Phi đô là hoá hay ‘phi Hán hoá’?
Các quốc gia ở Nam Bán Cầu đang liên kết với thương mại Trung Quốc khi điều đó mang lại lợi ích. Nhưng họ vẫn lựa chọn bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa.
Việc phi đô la hoá nền kinh tế toàn cầu được một số người coi là một trong những thay đổi chính trong trò chơi quyền lực. Tuy nhiên, theo thông tin của Cơ quan Giám sát sự Thống trị của đồng USD thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, sự thống trị của đồng USD trong dự trữ, thương mại và giao dịch vẫn vững như bàn thạch.
Xu hướng địa chính trị hiện nay thực chất chưa phải do sự suy thoái của nước Mỹ. Nếu hệ thống quốc tế đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng, thì đó là do quá trình “phi Hán hoá” (de-Sinicisation) trong thương mại thế giới đang tăng tốc.
Quyết định gần đây của Liên minh Châu Âu (EU) là một phần trong một loạt các biện pháp bảo vệ trước Trung Quốc. Cụ thể, EU đã áp thuế bổ sung tạm thời đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Và danh sách này đang dài ra.
Vào tháng 5, Mỹ đã công bố mức thuế 100% đối với việc nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil có rào cản thương mại riêng đối với ô tô điện Trung Quốc. Ấn Độ cho biết thị trường ô tô của họ được “bảo vệ tốt” nhờ mức thuế cao đối với việc nhập khẩu xe điện. Canada cũng đang xem xét áp dụng các biện pháp tương tự như EU. Các hoạt động thương mại của Trung Quốc cũng nằm trong tầm quan sát của các nước ở Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia.
Điều đáng chú ý, trong số các quốc gia trên, Brazil là thành viên của BRICS. Đây là khối tập hợp các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới bao gồm cả Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng vốn đã tăng cường gần gũi về địa chính trị với Trung Quốc thông qua việc tham gia SCO với tư cách là đối tác đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là muốn gia nhập BRICS. Thái Lan cũng đang có những động thái để gia nhập khối này. Cả Thái Lan và Indonesia đều là những nền kinh tế lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thêm 40% thuế đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng nhà sản xuất xe điện Thổ Nhĩ Kỳ TOGG được cho là quan tâm đến liên doanh sản xuất với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Guangzhou Automobile Group.
Lo ngại về tác động của hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Thái Lan, Bangkok cũng đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, cùng lúc đó, BYD của Trung Quốc cho biết họ sẽ mua 20% cổ phần nhà phân phối Rever Automotive của Thái Lan, sau khi BYD mở nhà máy đầu tiên tại nước này.
Những ví dụ trên cho thấy các đối tác Trung Quốc ở Nam Bán Cầu sẽ bảo vệ chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị, nếu họ tin rằng làm như vậy sẽ mang lại lợi ích cho mình.
Nhìn chung, hệ thống quốc tế có thể đa cực hơn một vài năm trước, nhưng nó vẫn cực kỳ linh hoạt. Hơn nữa, thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng và giao thông toàn cầu của mình, Trung Quốc cố gắng tạo ra một hệ thống phụ thuộc vào thương mại, nhưng điều này đã không chuyển thành sự liên kết chính trị.
Mỹ cũng không tránh được những hạn chế như vậy. Washington đang tăng cường hợp tác công nghệ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng hai đồng minh chủ chốt ở Đông Á cho đến nay vẫn do dự theo bước chính phủ Mỹ trong việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc hoặc ngăn Trung Quốc mua lại công nghệ cao.
Tham khảo SCMP
Anh Dũng