Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Cần cân nhắc thật kỹ

Theo các chuyên gia, giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức tại các ngân hàng có thể cản trở việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, giữa lúc hệ thống ngân hàng đang nỗ lực nâng cao năng lực tài chính, trong khi không thực sự chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Cần cân nhắc thật kỹ

Lợi bất cập hại

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức từ mức 5% và 15% vốn điều lệ của một ngân hàng xuống còn 3% và 10%. Tương tự, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Đề xuất giảm tỷ lệ này được đưa ra nhằm mục đích chấm dứt tình trạng sở hữu chéo, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và hạn chế việc lạm dụng quyền cổ đông lớn tại các ngân hàng, từ đó tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng Việt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu nói trên là cần thiết, tuy nhiên biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu tối đa để đạt được mục tiêu này không thực sự có nhiều ý nghĩa, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ sở hữu tối đa tại các tổ chức tín dụng ở các mức 5%, 15% và 20% tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ thấp này không làm giảm tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan – hiện trạng vẫn đang diễn ra tại một số ngân hàng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7/2023, theo đó làm tăng rủi ro của hệ thống.

Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa, trong trường hợp này, không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung, theo VCCI.

Cùng chung quan điểm với VCCI, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI, cho rằng giảm tỷ lệ sở hữu không thực sự ngăn chặn sở hữu chéo, khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15-20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những người chủ này cao hơn rất rất nhiều so với quy định, thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên hộ.

Lấy ví dụ như trường hợp của Ngân hàng SCB, kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an cho thấy, trên sổ sách, bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ ngân hàng, nhưng thực tế bà Lan nắm giữ tới 91% cổ phần của SCB thông qua 27 pháp nhân và cá nhân đứng tên hộ.

Theo VCCI, tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.

Thậm chí, như lời một chuyên gia đề nghị không nêu tên, việc tỷ lệ sở hữu vốn quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng không có người làm chủ thực sự của ngân hàng, qua đó khiến cho hoạt động bị ảnh hưởng bởi các cổ đông "không ai chịu ai, nói không có người nghe". Tình trạng này đã và đang diễn ra tới gần chục năm ở một ngân hàng, khiến cho hoạt động ngân hàng không thể bứt phá lên được trong khi các nhà băng khác có cùng quy mô băng băng tiến về phía trước.

Rào cản nhà đầu tư ngoại

Lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và các định chế tài chính quốc tế lớn từ nhiều năm nay nhờ tiềm năng phát triển dồi dào và phong phú. Tuy nhiên đây là lĩnh vực có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hay còn gọi là room ngoại, và nhiều ngân hàng luôn trong tình trạng kín room – gây nuối tiếc cho không ít nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Nay, nếu tỷ lệ sở hữu ngân hàng tiếp tục bị siết, có lẽ sức hấp dẫn của lĩnh vực ngân hàng Việt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài sẽ ít nhiều suy giảm. Bởi lẽ việc siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng, có thể "làm khó" cho các nhà đầu tư ngoại muốn rót vốn vào các ngân hàng nội. Và ở chiều ngược lại, nỗ lực cải thiện nền tảng vốn, nâng cao năng lực tài chính và phát triển lành mạnh trong dài hạn của các ngân hàng nội cũng trở nên khó khăn hơn khi họ không thể chào bán một tỷ lệ cổ phần đủ hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Đó là chưa kể đến, chủ trương của Nhà nước là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hỗ trợ tiến trình phát triển của ngành ngân hàng nói chung, hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém nói riêng. Nhiều đề xuất vừa qua còn mong muốn nới room ngoại lên mức cao hơn so với quy định hiện hành (tới 49%) để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại vào các tổ chức tín dụng yếu kém. Nay nếu tỷ lệ sở hữu bị siết chặt, sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đến ngân hàng Việt chắc chắn khó tránh khỏi sự ảnh hưởng khi dòng vốn bị cản trở như vậy.

Trở lại câu chuyện gia tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng, từ nhiều năm trở lại đây, tìm kiếm nguồn lực quốc tế với mục đích tăng vốn luôn được các ngân hàng nội tích cực triển khai, trong nỗ lực tăng cường tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô và cải thiện các hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn mực quốc tế, như Basel. Hệ số CAR của nhiều ngân hàng hiện vẫn đang ở mức thấp so với các ngân hàng trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hệ số CAR trung bình của nhóm ngân hàng nhà nước, tính tới cuối tháng 9 vừa qua, ghi nhận ở mức 9.25%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần ở mức 11,50%, thấp hơn nhiều so ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).

Trong khi các ngân hàng trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, thì các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II, tiệm cận Basel III. Việc tiếp tục tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính rõ ràng rất cần thiết đối với các ngân hàng. Và tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, theo các chuyên gia là cung đường ngắn nhất giúp các ngân hàng nội đạt được mục đích củng cố bộ đệm vốn – nhưng điều này cũng chỉ thuận lợi khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại có sự hấp dẫn nhất định đối với các cá nhân và tổ chức tài chính quốc tế.

Thanh Bình

An ninh Tiền tệ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...