Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 19-23/8/2024
Lãnh đạo các ngân hàng trung ương sẽ hội tụ tại Jackson Hole để tham dự cuộc họp thường niên, thị trường năng lượng tăng vọt sự căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và xung đột Nga-Ukraine nóng lên,... là những tin tức tài chính đáng chú ý trong tuần.
1/ CUỘC HỌP TẠI JACKSON HOLE
Các giám đốc ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới sẽ hội tụ tại Jackson Hole, Wyoming, từ thứ Năm (22/8) để tham dự hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm vạch ra lộ trình chính sách tiền tệ. Trọng tâm cuộc họp năm nay là thị trường lao động - có sự thay đổi so với chủ đề của năm ngoái (lạm phát).
Tai Jackson Hole, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, sẽ có cơ hội đưa ra thông điệp mới nhất của mình trước cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 9. Hầu hết những người tham gia thị trường tin rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9, sau nhiều tháng giữ nguyên lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Một loạt dữ liệu kinh tế đáng báo động gần đây - bao gồm cả số liệu thất nghiệp – đã khiến các nhà đầu tư ngày càng có niềm tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng tới.
Việc cuối cùng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ cắt giảm lãi suất nhiều đến mức nào và cắt giảm sâu đến đâu cho tới thời điểm hiện tại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. một loạt dữ liệu kinh tế đáng báo động gần đây - bao gồm cả số liệu thất nghiệp - đã thúc đẩy các nhà đầu tư tăng cường đặt cược vào đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9.
2/ BỨC TRANH NHIỀU MẢNG MÀU ĐAN XEN
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu là một câu hỏi khác cũng đang bỏ ngỏ phần trả lời. Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang sốt sắng và chật vật đánh giá triển vọng kinh tế trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chậm lại nhưng lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu của các ngân hàng trung ương.
Các chỉ số quản lý sức mua (PMI) của các nước (hầu hết sẽ được công bố vào thứ Năm, 22/8) sẽ cho thấy một bức tranh sơ bộ về hoạt động kinh tế theo thời gian thực, từ đó sẽ cung cấp một số manh mối quan trọng để đánh giá thực trạng kinh tế thế giới. Các chỉ số PMI của tháng 7 cho thấy kinh tế thế giới đang trong tình trạng suy thoái kết hợp với lạm phát dai dẳng, là lý do giải thích tại sao các ngân hàng trung ương đang ở trong tình thế khó khăn.
Hoạt động sản xuất của Mỹ suy yếu và các số liệu của Đức ảm đạm một cách đáng ngạc nhiên - cho thấy cường quốc kinh tế của châu Âu đang suy giảm. Nhưng giá cả đầu vào của các nhà sản xuất tại các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức cao nhất trong 18 tháng.
Lạm phát sẽ quyết định tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trong tương lai. Xu hướng PMI ảm đạm trong tháng 7 có thể sẽ còn tái diễn, có nghĩa là việc nới lỏng tiền tệ sẽ diễn ra chậm hơn so với mong muốn của thị trường.
Hoạt động kinh doanh của Đức trong tháng 7 chậm hơn so với các đối tác lớn.
3/ BẤT ĐỒNG VỀ LÃI SUẤT CỦA NHẬT BẢN
Việc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đột ngột chuyển từ chính sách cực kỳ ôn hòa sang cực kỳ cứng rắn đã khiến các nhà lập pháp chỉ trích, sau khi BOJ đột ngột tăng lãi suất vào cuối tháng 7.
Hậu quả bất ngờ là cổ phiếu Nhật Bản ngay sau đó giảm giá mạnh nhất kể từ Thứ Hai Đen tối (năm 1987), trong bối cảnh đồng yên tăng đột biến so với đồng đô la Mỹ.
Các chính trị gia Nhật Bản chuẩn bị thẩm vấn Thống đốc BOJ Kazuo Ueda và những người đồng cấp của ông vào ngày 23 tháng 8. Mặc dù một số người bất bình về chính sách lãi suất của BOJ, nhưng đừng quên một số nhân vật cấp cao nhất của Nhật Bản đã dựa vào ngân hàng trung ương để giúp đảo ngược tình trạng yếu kém đặc biệt của đồng yên.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô gần đây của Nhật Bản ít nhất cũng đứng về phía BOJ, cho thấy nền kinh tế này hồi phục mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi. Sắp tới Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu m ới nhất về giá tiêu dùng.
4/ CÁC YẾU TỐ RỦI RO GIA TĂNG TÁC ĐỘNG MẠNH LÊN THỊ TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG
Sự hội tụ của nhiều yếu tố rủi ro gia tăng đã thúc đẩy thị trường năng lượng toàn cầu trong những ngày gần đây, và có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ giảm bớt. Mối lo ngại rằng xung đột đang lan rộng ở Trung Đông đe dọa nguồn cung dầu mỏ từ khu vực này đã đẩy giá dầu thô quốc tế lên trên 80 USD/thùng.
Tuy nhiên, lo ngại về sức mạnh của nhu cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, đang phần nào hạn chế đà tăng giá xăng dầu.
Trong khi đó, giá khí đốt bán buôn tại châu Âu cũng có nhiều biến động do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga trên tuyến đường quá cảnh qua Ukraine - làm gia tăng mối lo ngại về tình hình Trung Đông.
Thị trường cũng lo lắng về giao tranh dữ dội gần thị trấn Sudzha của Nga, nơi khí đốt của Nga chảy vào Ukraine, có thể dẫn đến việc dừng đột ngột các luồng khí quá cảnh qua quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này trước khi thỏa thuận kéo dài 5 năm với Gazprom của Nga hết hạn.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp