Ngân hàng tuần qua: Nhà băng đầu tiên công bố lợi nhuận 2022, Vietcombank đẩy lãi suất kỳ hạn ngắn lên kịch trần
Theo NHNN, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Con số này thấp hơn 1 - 1,5% so với định hướng 15,5 - 16% mới được điều chỉnh gần đây.
Lợi nhuận trước thuế của VietinBank năm 2022 đạt kế hoạch
Theo ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ bao phủ nợ xấu đạt 190%.
Tỷ lệ chi phí hoạt đồng/ thu nhập hoạt động (CIR) dưới 30%, nằm trong nhóm CIR thấp nhất ngành ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc – Phụ trách Ban Điều hành VietinBank cho biết, năm 2022, ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là ngân hàng có vốn chi phối bởi Nhà nước, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế.
Theo ông Dũng, năm 2022 là một năm thành công với VietinBank. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề trọng yếu cần khắc phục. Chẳng hạn, về CASA, mặc dù đã có cải thiện nhưng vấn cần đẩy mạnh hơn nữa, để giảm áp lực chi phí vốn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động hiện nay. Ngoài ra, về khai thác hệ sinh thái, sự liên kết giữa ngân hàng và các công ty con chưa được hiệu quả.
Tăng trưởng tín dụng năm 2022 ước đạt 14,5%
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021.
Trước đó, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối năm, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 1,63 điểm %, tương ứng quy mô hơn 170.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 vừa được điều chỉnh lên 15,5 - 16%, thì tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn 1 - 1,5%, tương đương 104.000 – 157.000 tỷ đồng so với mục tiêu.
Nhiều tổ chức phân tích dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm 2023
Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Ở khía cạnh tích cực, thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.
Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2 điểm %, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa quả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.
Dựa trên các yếu tố bất lợi đã đề cập, Mirae Asset cho rằng NHNN nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.
Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do (1) nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; (2) Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023.
Nguyên nhân thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng.
Nguyên nhân thứ hai khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, theo báo cáo, là do lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao, do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.
Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Thống đốc: Khơi thông các nguồn tiền, tránh quá phụ thuộc tín dụng ngân hàng
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 3/1, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế cũng vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. CSTT ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn giữa.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản...để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...
Vietcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Vietcombank mới đây đã thay đổi biểu lãi suất huy động cho tiền gửi trực tuyến, trong đó các kỳ hạn ngắn đều lên mức kịch trần.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,8%/năm lên mức 6%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 6%/năm.
Trong khi đó, Vietcombank giữ nguyên lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng cùng mức 6,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 năm, 2 năm cũng giữ nguyên 7,4%/năm.
Như vậy, ngoài lãi suất kỳ hạn ngắn đã lên mức kịch trần quy định thì lãi suất kỳ hạn dài của Vietcombank vẫn ở mức thấp nhất trên thị trường.
Bên phía lãi suất cho vay, ngân hàng này cho biết sẽ giảm 0,5%/năm đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank. Thời gian giảm từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4.
"Hệ thống của Vietcombank sẽ tự động giảm lãi suất cho vay mà khách hàng không phải có đơn đề nghị hay thủ tục giấy tờ gì. Trong năm 2023, Vietcombank vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh" ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank cho biết.
Trước đó, trong năm 2022, Vietcombank là một trong những ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay khách hàng với mức giảm đồng loạt 1%/năm với hầu hết khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đợt giảm lãi suất này có tác động đến khoảng 175.000 khách hàng với quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm một nửa danh mục tín dụng của Vietcombank.
Người dân tiếp tục giảm mạnh việc rút tiền mặt tại ATM
Theo ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc NAPAS, hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.
Đáng chú ý, năm nay tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022.
Trước đó, NAPAS cho biết, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021.
Như vậy, con số tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt hiện nay chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng tuần giao dịch đầu năm mới
Tuần giao dịch đầu năm 2023 (3 - 6/1), cổ phiếu ngân hàng diễn biến đầy tích cực khi ghi nhận 22/27 mã tăng giá. Trong đó, mã tăng mạnh nhất là VBB của VietBank (+29,5); đứng kế sau là NAB (tăng 10,7%) và LPB (tăng 10,3%). Nhiều mã khác cũng tăng trên dưới 7-8% như VIB (8,4%), STB (8%), BID (7,9%), TCB (7,2%), TPB (6,9%).
Ở chiều ngược lại, vẫn còn một số cổ phiếu giảm giá trong tuần qua như VAB (-9,3%), SGB (-0,8%), OCB (-0,6%).
Thanh khoản toàn ngành cải thiện đáng kể nhờ phiên 6/1 với giá trị giao dịch ”bùng nổ”, đạt hơn 3.500 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu VPB của VPBank là mã được giao dịch nhiều nhất trong nhóm ngân hàng tuần qua với giá trị khớp lệnh đạt hơn 2.000 tỷ đồng tuần qua. Ngoài ra, theo phương thức thỏa thuận, VPB cũng ghi nhận có 300 tỷ đồng được trao tay giữa các nhà đầu tư.
Quang Hưng
Nhịp sống Thị trường