Ngân hàng trung ương các nước chạy đua tích trữ vàng
Thổ Nhĩ Kỳ là nước dẫn đầu mức tăng dự trữ vàng với 84 tấn trong 8 tháng đầu năm.
Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận nước mua vàng nhiều nhất trong tháng 8 và đã bổ sung nhiều vàng hơn bất kỳ quốc gia nào trong năm 2022. Với việc mua 8,9 tấn vào tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng dự trữ vàng thêm 84 tấn trong 8 tháng đầu năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ hiện nắm giữ 478 tấn vàng, mức cao nhất kể từ quý 2/2020.
Uzbekistan đã bổ sung 8,7 tấn vàng vào kho dự trữ trong tháng 8, gần bằng số lượng của 5 tháng trước đó. Điều này đưa lượng mua ròng 8 tháng đầu năm của nước này lên tới hơn 19 tấn mặc dù trước đó đã bán gần 25 tấn vàng trong quý đầu tiên. Dự trữ vàng chỉ chiếm hơn 60% tổng dự trữ của Uzbekistan.
Ảnh minh họa.
Sau khi trở thành nước bán đáng chú ý duy nhất trong tháng 7, Kazakhstan đã mua thêm 2 tấn vàng trong tháng 8. Tổng dự trữ vàng của Kazakhstan hiện chỉ còn 375 tấn, giảm gần 28 tấn kể từ đầu năm.
Mexico và Serbia đều mua lượng nhỏ 0,1 tấn trong tháng 8.
Qatar là nước mua vàng lớn nhất trong tháng 7 với 14,8 tấn được bổ sung vào kho dự trữ. Dữ liệu sơ bộ do Ngân hàng Trung ương Qatar công bố cho thấy nước này có mua thêm lượng vàng dự trữ trong tháng 8, tuy nhiên dữ liệu này chưa được báo cáo đến cơ sở dữ liệu IFS của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Do đó, WGC quyết định loại trừ việc Qatar mua dự trữ vàng khỏi dữ liệu của họ cho đến khi IMF báo cáo con số chính thức.
Trong khi các nước đổ xô đi tích trữ vàng thì Ấn Độ lại không có bất kỳ động thái nào trong tháng 8. Hiện Ấn Độ sở hữu 781 tấn vàng và xếp thứ 9 trên thế giới. Vào tháng 8/2020, có báo cáo rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đang xem xét tăng đáng kể lượng vàng dự trữ của mình .
Các ngân hàng trung ương mua ròng 270 tấn vàng trong nửa đầu năm.
Báo cáo của WGC cho biết: "Đây là sự tiếp nối của sức mua mạnh mà chúng tôi đã thấy trong năm ngoái và hiện chúng tôi kỳ vọng nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương cả năm 2022 sẽ ngang bằng với mức năm 2021".
Một cuộc khảo sát của WGC cho thấy rằng "hoạt động của vàng trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của nó như một kho lưu trữ giá trị dài hạn/phòng ngừa lạm phát là những yếu tố quyết định chính đến việc các ngân hàng trung ương mua dự trữ".
Các ngân hàng trung ương đã bổ sung 463 tấn vàng vào dự trữ toàn cầu vào năm 2021. Con số này cao hơn 82% so với năm 2020. Năm 2021 là năm thứ 12 liên tiếp các ngân hàng trung ương mua ròng với khối lượng tổng cộng 5.692 tấn.
Trong năm 2019, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào 650 tấn vàng, mức cao thứ 2 trong vòng 50 năm qua. Con số này chỉ đứng sau mức mua vào 656 tấn vàng của năm 2018. Sau những số liệu dữ trữ kỷ lục trong năm 2018 và 2019, hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương đã chậm lại vào năm 2020 với tổng lượng mua ròng đạt khoảng 273 tấn.
Tham khảo: Oilprice
Quỳnh Anh
Nhịp sống thị trường