Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Số phận" đồng Yên?

Sự phục hồi nhanh và mạnh của đồng Yên gây chấn động khắp các thị trường toàn cầu và đưa đồng tiền này vào đà tăng trưởng tốt nhất trong tháng của năm 2024.

Theo các chuyên gia, sự phục hồi của đồng Yên sẽ tạo tiền đề cho sự biến động hơn nữa xung quanh các cuộc họp của ngân hàng trung ương Nhật Bản và Mỹ trong tuần này.

Thị trường tài chính toàn cầu đảo lộn

Trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá theo yên, một loạt tài sản khác bị bán tháo từ cổ phiếu Nhật Bản tới vàng và tiền ảo, do nhà đầu tư phải đánh giá lại các vị thế đặt cược sử dụng đòn bẩy tài chính...

Theo báo cáo, Đồng Yên đã tăng 4,7 phần trăm so với đồng USD vào tháng 7, nhờ khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất vào ngày 31/7 tới đây, thu hẹp khoảng cách lớn với chi phí đi vay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy đồng tiền này xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc FED cắt giảm lãi suất cũng tăng lên sau khi lạm phát của Mỹ giảm vào đầu tháng này. Sự phục hồi của đồng Yên được thúc đẩy bởi việc tháo gỡ các "giao dịch chênh lệch lãi suất" phổ biến, trong đó các nhà đầu tư vay bằng đồng Yên để đầu tư vào việc mua các loại tiền tệ có lợi suất cao hơn và đẩy mức cược chống lại đồng Yên lên mức cao nhất trong khoảng hai thập kỷ.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho biết, khi các nhà đầu tư vội vã cắt lỗ từ các giao dịch chênh lệch lãi suất không thành công sẽ buộc phải bán tài sản ở các thị trường khác, làm gia tăng thêm làn sóng bán tháo mạnh mẽ trên các cổ phiếu công nghệ toàn cầu.

Giám đốc toàn cầu về ngoại hối tại Bank of America Athanasios Vamvakidis cho biết, thị trường ngoại hối đang tác động đến mọi thứ ngay lúc này, vì giao dịch chênh lệch lãi suất được thanh toán bằng đồng Yên là một trong những giao dịch phổ biến nhất trong năm nay. 

Sự phục hồi của đồng Yên sẽ tạo tiền đề cho sự biến động thị trường toàn cầu

Có thể thấy, sức mạnh mới hình thành của đồng yên đang trở thành một nguồn gây biến động mới trên thị trường tài chính toàn cầu vốn đã có những xáo trộn trong những phiên giao dịch dịch gần đây - khi cơn sốt cổ phiếu công nghệ (AI), động lực tăng điểm chính của chứng khoán Mỹ năm nay, bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu so với mức thấp nhất gần 4 thập kỷ thiết lập vào đầu tháng này, tỷ giá yên so với USD hiện tăng hon 6%.

Đồng Yên sẽ có nhiều biến động vào tuần tới

Từ cuối tháng 6 đến nay, đồng yên đã có 4 lần lập đáy mới so với USD, gây áp lực đòi các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo phải can thiệp vào thị trường để vực dậy đồng nội tệ.

Trong khi đồng Yên ổn định vào cuối tuần, các nhà giao dịch ngoại hối cho biết sự biến động sẽ tăng lên vào tuần tới khi thị trường chuẩn bị cho quyết định lãi suất của BOJ và điều chỉnh theo sự thay đổi toàn cầu về khẩu vị rủi ro cùng sự tháo gỡ lớn các vị thế tiền tệ đầu cơ.

Theo chiến lược gia Yuting Shao của công ty State Street Global Markets, đà tăng của đồng Yên có thể tiếp diễn trước khi diễn ra cuộc họp của BOJ vào tuần tới, trong bối cảnh các trạng thái carry-trade tiếp tục bị đóng lại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi đi đến cuộc họp của BOJ vào cuối tháng, giới đầu cơ đồng Yên sẽ phải vượt qua nhiều số liệu kinh tế và sự kiện có khả năng gây nên những pha biến động bất ngờ mới. Đà tăng của đồng yên sẽ đối mặt với một “bài kiểm tra” lớn, sau các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ và cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của BOJ và Fed.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda - vị quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề tỷ giá của nước này, đã đưa ra nhiều tín hiệu về điều khiến Chính phủ Nhật xem là mức độ mất giá quá mức hoặc tốc độ mất giá bất thường của đồng Yên, nhưng không đưa ra một thước đo cụ thể nào.

Trên thực tế thời gian qua, nhiều đồng tiền châu Á, nhất là tiền của các nền kinh tế Bắc Á như Won Hàn Quốc và Nhân dân tệ đang được hỗ trợ theo sự tăng giá của Yên. Thị trường hoán đổi lãi suất đang đặt cược khả năng 75% BOJ tăng lãi suất vào tuần tới, từ mức đặt cược 44% vào đầu tuần này.

Nhìn lại quá trình cho thấy, trong các cuộc can thiệp tiền tệ mà Nhật Bản đã tiến hành kể từ mùa thu năm 2022 đến nay, tỷ giá đã biến động hơn 2 Yên/USD trong vòng 24 giờ đồng hồ trước khi có động thái can thiệp. Đó có thể là mức độ biến động tối thiểu có thể khiến nhà chức trách cân nhắc mua yên tùy theo, ngoài yếu tố mức tỷ giá nhất định.

Bên cạnh đó, khoảng cách về mức tỷ giá giữa các lần can thiệp cũng khá rộng. Cuộc can thiệp vào tháng 9/2022 diễn ra khi tỷ giá Yên giảm về gần ngưỡng 146 Yên đổi 1 USD. Cuộc can thiệp vào tháng 10 năm đó diễn ra khi Yên gần mức 152 Yên đổi 1 USD. Đợt can thiệp gần đây nhất vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024 diễn ra ở vùng 158-159 Yên/USD. Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính Nhật Bản có thể sẽ không muốn can thiệp lần nữa nếu tỷ giá Yên không giảm thêm ít nhất 6 Yên/USD so với ở lần can thiệp gần đây nhất, tức là khi tỷ giá Yên chưa giảm về mức ít nhất 164 Yên/USD.

Ngoài ra, ông Ueda của SBI nhận định, một yếu tố bất định khác đối với các nhà giao dịch tiền tệ là ông Kanda sẽ rời cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản vào cuối tháng 7 này. Ngày nghỉ hưu của ông Kanda trùng với dịp BOJ họp, nên khó có chuyện sẽ xảy ra can thiệp tỷ giá vào cùng ngày.

Theo đó, rất có thể Nhật Bản sẽ đợi cho tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed kết thúc vào ngày 31/7 trước khi có bất kỳ động thái nào. Thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell về lãi suất có thể "vô hiệu hóa" bất kỳ một động thái can thiệp sớm nào của Nhật Bản, hoặc thậm chí loại bỏ sự cần thiết Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường./.

Theo Kate Trần

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết