Ford, GM "gục ngã" tại Trung Quốc: Từng được coi là biểu tượng đại gia, giờ bị chê mẫu mã lỗi thời, ";không cùng đẳng cấp" với các dòng xe nội địa
“Các hãng xe ngoại bị tụt hậu quá xa, bất kể là xe Mỹ hay Đức. Giờ đây họ thậm chí còn không cùng đẳng cấp với xe điện Trung Quốc”. anh Ben Cao một doanh nhân chơi xe sang cho biết.
Thật vậy, doanh số của hãng xe GM tại Trung Quốc đã giảm 20% kể từ năm 2021, trong khi Ford bốc hơi 33,5%.
Năm 2016-2017, Ford từng bán được 1 triệu xe thì tới năm 2022 con số này chỉ còn 400.000 chiếc. Thương hiệu Hyundai cũng giảm từ 1,8 triệu chiếc xe xuống còn chỉ 385.000 chiếc trong cùng kỳ.
Hãng GM từng được xem là đối trọng của Volkswagen tại Trung Quốc thì nay đã mất đến 50% doanh số trong cùng kỳ. Thậm chí con số này còn tệ hơn nếu GM không nắm giữ 44% Wuling, hãng xe điện Trung Quốc giá rẻ đang làm ăn đầy lợi nhuận.
Năm 2022, hơn 80% xe điện mới bán tại Trung Quốc là hàng nội địa. Tính đến mùa thu năm ngoái, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã vượt qua các tập đoàn nước ngoài về tổng số xe bán ra mỗi tháng tính cả về ô tô điện lẫn xe xăng truyền thống.
Tại triển lãm ô tô Thượng Hải vừa qua, một sự chuyển biến rõ ràng đã diễn ra. Nếu trước đây các hãng xe nội địa Trung Quốc thường mong được trưng bày cạnh các thương hiệu nước ngoài để có khách chú ý tới thì hiện nay, chính những hãng xe điện Trung Quốc mới là ngôi sao của buổi triển lãm bị các thương hiệu nước ngoài muốn vây quanh.
“Bạn muốn được trưng bày cạnh họ bởi những hãng xe Trung Quốc này có sản phẩm xe điện cực kỳ hút khách. Những hãng xe nước ngoài thì không có được sức hút như vậy”, Cựu CEO Bill Russo của Chrysler China, hiện là CEO của Automobility thừa nhận.
Không cùng đẳng cấp
Tờ New York Times (NYT) cho biết anh Ben Cao và vợ Rachel đã quyết định bán đi 2 chiếc Porsches trị giá 290.000 USD để mua chiếc xe điện trị giá 70.000 USD của hãng Li Auto-Trung Quốc.
“Khi bạn ngồi trên một chiếc Li Auto thì cảm giác đầu tiên là sự sang trọng của nó", anh Ben Cao thú nhận.
Trên thực tế, những người giàu có như anh Ben Cao cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu thế chuộng xe điện trên toàn thị trường khi Trung Quốc đang là nền kinh tế tiêu thụ nhiều xe hơi nhất thế giới. Thậm chí NYT đánh giá giới nhà giàu Trung Quốc có sự thay đổi sang xe điện thuộc hàng nhanh nhất toàn cầu.
“Thị phần các hãng xe ngoại tại Trung Quốc sẽ tiếp tục mất vào tay thương hiệu nội địa, nhất là khi mảng xe điện của họ quá mạnh”, giám đốc Stephen W Dyer của Alix Partners nhận định.
Thị phần xe nội địa Trung Quốc đã tăng mạnh từ 47% quý IV/2021 lên 52% quý cuối năm 2022. Trong đó nổi bật nhất là BYD khi từ 2,1% thị phần tăng lên 10,3%, vượt mặt cả Volkswagen để trở thành hãng xe hơi lớn nhất Trung Quốc.
“Các hãng xe ngoại bị tụt hậu quá xa, bất kể là xe Mỹ hay Đức. Giờ đây họ thậm chí còn không cùng đẳng cấp với xe điện Trung Quốc”. anh Ben Cao thừa nhận.
Lời nhận định của anh Ben Cao là có cơ sở khi vị doanh nhân 36 tuổi này là thành viên của một hội chơi xe sang với ít nhất 350 thành viên. Trong đó khoảng 50 người cũng đã chuyển sang các dòng xe điện như Li Auto của anh Ben Cao.
Trung Quốc khác với Mỹ khi đi du lịch xa, người dân thường dùng máy bay hoặc tàu cao tốc chứ không lái xe xuyên ngày đêm. Bởi vậy những chiếc xe điện sang trọng trong thành phố trở thành biểu tượng giàu có mới thay thế những sản phẩm nước ngoài đã lỗi thời về công nghệ.
“Thị trường đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi đang phải suy nghĩ lại về giá trị thương hiệu Ford tại thị trường Trung Quốc”, CEO Jim Farley của Ford thú nhận.
Chuyển hướng Phương Tây
Năm 2022, thị phần xe điện Trung Quốc tăng đến 17% còn các hãng xe ngoại cùng dòng mất đến 11%.
Các hãng xe ngoại tại cuộc triển lãm Thượng Hải hầu như chỉ trưng bày những dòng xe xăng truyền thống chẳng khác nhiều về thiết kế, trong khi khách hàng Trung Quốc có thể lựa chọn những sản phẩm ô tô điện với thiết kế sang trọng không kém mà lại rẻ hơn.
Tồi tệ hơn, các hãng xe Trung Quốc sau 40 năm trở thành công xưởng sản xuất hợp đồng cho thương hiệu nước ngoài thì giờ đây đã học hỏi được công nghệ, đào tạo được những thế hệ kỹ sư có trình độ phát triển không kém đối thủ Phương Tây.
Điều này khiến nhiều hãng xe ngoại từng là biểu tượng giàu sang của giới nhà đại gia Trung Quốc thì nay phải tính đến hướng chuyển trọng tâm thị trường.
“Tại thời điểm này, các hãng xe sẽ phải có quyết định tiếp tục cạnh tranh ở Trung Quốc hay rút lui. Đây là lúc mà các giám đốc phải ra quyết định cho tương lai của những hãng xe nước ngoài”, chuyên gia Edison Yu của Deutsche Bank chi nhánh Trung Quốc nhận định.
Trước đây khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, các hãng xe ngoại đã cố gắng tiếp cận miếng bánh béo bở này. Thế nhưng với sự căng thẳng Mỹ-Trung, việc chính quyền Bắc Kinh trợ giá cho ngành xe điện cũng như dịch chuyển thị hiếu khách hàng đã buộc các hãng xe ngoại quay đầu trở lại Phương Tây.
Việc Châu Âu lẫn Mỹ đều đang có chính sách hỗ trợ các thương hiệu phát triển xe điện, đưa nhà máy trở lại đất nước cũng là một yếu tố kích thích tiến trình này.
Tuy nhiên việc rút lui không phải là một quyết định đơn giản.
Ví dụ như GM, hãng xe này đã chuyển trọng tâm khỏi thị trường Châu Âu vào năm 2017, sau đó là rút lui khỏi Nga, Ấn Độ và Australia để tiết kiệm chi phí, tập trung cho những thị trường sinh lời khác như Trung Quốc. Tuy vậy, trong quý I/2023, doanh số của GM giảm tới 25%, còn cùng kỳ năm trước là 20%.
“Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc sẽ còn lan rộng”, CEO Bill Russo của Automobility cảnh báo.
*Nguồn: BI, NYT
Theo Băng Băng
Nhịp sống thị trường