Thiết lập 3 luồng sàng lọc "doanh nghiệp ma" trong hoàn thuế VAT
Cơ quan thuế đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp gian lận, "doanh nghiệp ma" trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Tiêu biểu như phân luồng doanh nghiệp xanh - vàng - đỏ, rà soát báo cáo tài chính…
Theo ông Thắng, nhằm ngăn chặn rủi ro, Cục Thuế Đồng Nai đưa ra giải pháp phân luồng xanh, vàng, đỏ với doanh nghiệp. Trong đó, luồng xanh (rủi ro thấp) gồm: Doanh nghiệp có doanh thu, nộp thuế lớn, có trụ sở sản xuất tại địa bàn; thuê đất lâu dài tại khu công nghiệp; doanh nghiệp có lịch sử thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu đầu vào ít rủi ro; doanh nghiệp có đầu vào nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn.
Luồng đỏ (rủi ro cao) là danh sách doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại; doanh nghiệp qua thanh tra kiểm tra thuế có số thuế VAT bị truy thu lớn hoặc có phát sinh số thuế truy hoàn; doanh nghiệp có đầu vào từ doanh nghiệp được cảnh báo rủi ro từ thông tin nhận từ cơ quan chức năng, cơ quan thuế khác gửi về; doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào từ phế liệu, nhân công lao động, suất ăn công nghiệp, đất, đá, cát, sỏi…
Luồng vàng (rủi ro vừa) gồm doanh nghiệp phân vào luồng đỏ đã thanh tra kiểm tra thuế trong vòng 1 năm không có dấu hiệu vi phạm.
Ông Thắng chia sẻ, cơ quan thuế lựa chọn mặt hàng có rủi ro cao về hóa đơn như: Đất, đá, cát, sỏi; gỗ rừng trồng, gỗ tự nhiên (trừ gỗ công nghiệp); các mặt hàng xuất xứ qua biên giới đất liền (điện tử, hàng tiêu dùng…); phế liệu; cung ứng dịch vụ (cung ứng lao động, tiền ăn, vận chuyển, bốc xếp, hoa hồng…).
“Các mặt hàng này có nguy cơ hàng hóa trôi nổi và cung cấp dịch vụ phải xuất hóa đơn đầu ra nhưng không hóa đơn đầu vào, sử dụng hóa đơn của “doanh nghiệp ma” để hợp thức hóa hàng hóa dịch vụ mua vào”, ông Thắng cho biết.
Bước tiếp theo, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp nghi vấn cung cấp báo cáo tài chính để phân tích. Ông Thắng chỉ ra, báo cáo tài chính của “doanh nghiệp ma” không có hoặc có rất ít tài sản cố định, khoản phải thu, phải trả rất lớn do đã xuất hóa đơn khống nhưng chưa có tiền thanh toán qua lại cho nhau. Chỉ tiêu tiền mặt rất lớn nhưng thực tế không có tiền mặt, chỉ để cho cân đối kế toán không bị âm quỹ.
Theo bà Nguyễn Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế, năm nay đã có hơn 17.000 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền gần 131.000 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế tiếp tục tập trung vào ngành, lĩnh vực rủi ro cao, có khả năng thất thu như: bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro và ban hành Quy trình kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế. Toàn ngành Thuế đã thực hiện được 66.241 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là hơn 61.583 tỷ đồng bằng 97,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đề nghị Tổng cục Thuế chủ động tăng cường chỉ đạo, giao ban với cục thuế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng, điều hành công tác thu ngân sách nhà nước một cách kịp thời.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu ngành thuế tiếp tục nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường quản lý hoàn thuế, nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế xác định các lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
Năm 2023, tổng thu do cơ quan thuế quản lý đạt 1,39 triệu tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán, bằng 95,4% so với thực hiện năm 2022. Có 16/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Có 08/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ. Có 47/64 cục thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm nay.
Theo Quỳnh Nga