Thị trường chứng khoán trước nhiều ẩn số
Từ đầu tháng 5 đến nay, VN-Index có nhiều phiên tăng điểm, “đe dọa” sẽ cán mốc 1.070 điểm. Dù vậy, giới đầu tư nhìn nhận đà tăng này có phần “mong manh” trong bối cảnh xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều về triển vọng thị trường.
Từ đầu tháng 5 đến nay, VN-Index có nhiều phiên tăng điểm, “đe dọa” sẽ cán mốc 1.070 điểm. Dù vậy, giới đầu tư nhìn nhận đà tăng này có phần “mong manh” trong bối cảnh xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều về triển vọng thị trường.
Chỉ số chứng khoán tăng điểm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với kết quả kinh doanh “ảm đạm”. Số liệu từ CTCP Chứng khoán VnDirect chỉ ra tổng lãi ròng quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn HoSE, HNX, UPCoM giảm 18,1% so với cùng kỳ, song có sự cải thiện hơn so với quý IV/2023 (quý IV/2023 giảm 31,9%).
CTCP Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy các doanh nghiệp đã trải qua một quý khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng lớn tới khu vực sản xuất của Việt Nam. Không những thế, lượng doanh nghiệp thành lập mới tính đến tháng 4/2023 chỉ tăng 0,57% so với cùng kỳ năm 2022, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 6,2%. Ngoài ra, số lượng đơn vị ngừng hoạt động, hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng, đặc biệt số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh, hơn 30% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục kéo dài. Cầu trong nước và quốc tế suy yếu, thị trường vốn chưa phục hồi do các kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn èo uột… tạo nên môi trường kinh doanh không thuận lợi. Chưa kể, cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro sau vụ sụp đổ tiếp theo của First Republic Bank, bên cạnh hoạt động siết chặt cho vay và các rủi ro liên quan trong lĩnh vực bất động sản thương mại tại Hoa Kỳ, có thể khiến nguy cơ suy thoái và bất ổn gia tăng. Trong khi đó, xung đột giữa Nga-Ukraine có thể sẽ tiếp tục leo thang.
Khi nền kinh tế dần chạm đáy khó khăn, thị trường sẽ tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn |
Lực đẩy lớn nhất của thị trường trong tháng 5 là các động thái chính sách của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐCP về trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn; Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 thông tư số Thông tư 16/2021/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp... Tất cả những chính sách này đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường.
CTCP Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Công ty này kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ kể trên sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thị trường còn có động lực tăng điểm nhờ chính sách tiền tệ “bồ câu” hơn từ FED.
Định giá “rẻ” của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là yếu tố hỗ trợ tốt. Số liệu từ VCSC chỉ ra, P/E trượt của VN-Index cuối tháng 4/2023 là 11,5 lần, vẫn thấp hơn so với mức 17,9 lần trên sàn JCI của Indonesia, 17,1 lần trên sàn SET của Thái Lan và 15,1 lần trên sàn PCOMP của Philippines.
Ở góc nhìn kém lạc quan hơn, SSI Research nhìn nhận do bối cảnh quốc tế, việc phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ, nên dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể đứng ngoài xu hướng. Do đó, SSI Research cho rằng, áp lực rút ròng thời gian tới có thể vẫn còn, tuy nhiên bất kì điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền của các quỹ đầu tư đảo chiều vào ròng trở lại. Mặt khác, thị trường chứng khoán thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, nên khi nền kinh tế dần chạm đáy khó khăn, thị trường cũng dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn.
Một yếu tố hỗ trợ khác là việc giảm lãi suất điều hành. VCBS nhìn nhận NHNN đang duy trì biện pháp điều hành linh hoạt, chờ đợi những diễn biến thuận lợi trên thị trường quốc tế nhằm theo đuổi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh hoạt động sản xuất còn nhiều khó khăn.
“Theo đó, trong điều kiện thuận lợi khi sức mạnh đồng USD không tăng, chúng tôi cho rằng NHNN hoàn toàn có thể có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong những tháng tới”, bộ phận phân tích của VCBS đánh giá. Thực tế tuần qua nhiều ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động, đồng thời tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất.
Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam xác định, đồ thị chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn sóng điều chỉnh C và dự báo VN-Index đã kết thúc giai đoạn giảm dài hạn. Thị trường có thể sẽ hồi phục trong nửa đầu tháng 5 và giảm trở lại trong nửa cuối tháng 5 khi đây là thời điểm vùng trũng thông tin và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Yuanta Việt Nam nhận định dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt những cổ phiếu có các câu chuyện hỗ trợ. Nhóm cổ phiếu cần để ý trong tháng 5 là sản xuất và phân phối điện, bất động sản, vận tải.
BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường vào thời điểm cuối tháng 5. Cụ thể, với những tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ, khối ngoại giảm tốc độ bán ròng (và có thể quay trở lại mua ròng), VN-Index được kỳ vọng quay trở lại vùng 1.080 - 1.100 điểm. Tuy nhiên, ở kịch bản tiêu cực với các ảnh hưởng từ khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ; căng thẳng địa chính trị giữa các nước tiếp tục leo thang; cộng hưởng với việc thị trường trong nước bước vào vùng thiếu vắng thông tin, VN-Index có thể quay trở lại ngưỡng 1.030 điểm và thậm chí có thể là các mốc thấp hơn đã thiết lập trước đó.
Theo Đoàn Huy
Thời Báo Ngân Hàng