Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sôi động giao dịch cổ phiếu ngân hàng của cổ đông nội bộ trước thềm đại hội

Những tuần gần đây liên tục ghi nhận giao dịch và đăng ký giao dịch tại cổ phiếu VIB, TCB, HDB và MBB của người thân, tổ chức liên quan và cả lãnh đạo ngân hàng.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Trần Nhất Minh, Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã hoàn thành mua 800.000 cổ phiếu, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên hơn 1,9 triệu cổ phiếu. Giao dịch đã được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trực tiếp từ ngày 8/3 đến 7/4/2022.

Trước đó, bà Phạm Thị Kim Ngọc, vợ ông Trần Nhất Minh, cũng đăng ký mua 800.000 cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện trong thời gian 28/3 - 26/4/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Ở chiều ngược lại, bà Đặng Thị Thu Hà, vợ Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Sơn đăng ký bán ra gần 3 triệu cổ phiếu VIB. Số cổ phần này sẽ được bán theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trực tiếp trên sàn trong thời gian 04/04 - 29/04.

Các giao dịch của người nội bộ VIB diễn ra trong bối cảnh Hội đồng quản trị ngân hàng mới đây đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.545 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, VIB sẽ phát hành 554,5 triệu cổ phiếu để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên trên 21.000 tỷ đồng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp VIB trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu. Trước đó, ngân hàng đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 20% và 40% trong năm 2020 và 2021..

Tại Techcombank, ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Techcombank trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 đã bán xong 200.000 cổ phiếu, hoàn thành 100% lượng đăng ký. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu TCB do ông Sơn nắm giữ giảm từ hơn 2,3 triệu đơn vị xuống còn hơn 2,1 triệu đơn vị, tương đương 0,0612% vốn điều lệ Techcombank. Trước đó, ông Phan Thanh Sơn cũng đã bán 150.000 và 300.000 cổ phiếu TCB trong năm 2021 và 2020.

Được biết, trong đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2021 vừa qua của Techcombank, ông Sơn đã mua vào hơn 267.000 cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/cp, nâng lượng sở hữu lên 2,349 triệu đơn vị.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu TCB, bà Phùng Thị Thu Hồng - chị gái ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank - thông báo bán xong 150.000 cổ phiếu TCB, hoàn thành 100% lượng đăng ký. 

Sau giao dịch, lượng sở hữu của cổ đông này giảm từ hơn 272.000 xuống còn hơn 122.000 cổ phiếu, tương đương 0,0035% vốn Techcombank. Trong khi Phó Tổng Giám đốc Phùng Quang Hưng sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu TCB. Trong năm 2021, bà Hồng cũng từng đăng ký bán 150.000 cổ phiếu TCB nhưng không thành công.

Về Techcombank, tại đại hội cổ đông sắp tới, ngân hàng dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt và năm thứ 3 liên tiếp không chia cổ tức.

Tại MBB, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) vừa thông báo đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 12/4 đến 11/5, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.

Được biết, bà Vũ Thái Huyền, Thành viên Hội đồng Quản trị MB đang là đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC - chủ sở hữu của SIC) tại ngân hàng.

Hiện tại, SIC không sở hữu cổ phiếu MBB. Tuy nhiên, SCIC vẫn là cổ đông lớn thứ hai của MB, sở hữu hơn 356 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 9,42% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi bà Huyền nắm hơn 78.000 cổ phiếu MBB.

Đăng ký giao dịch của SIC xuất hiện sau khi MB công bố tại liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2022 với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.

Trước đó, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đã hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB nhằm mục đích đầu tư, hoàn thành 100% khối lượng đăng ký trước đó. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 1/3 – 16/3.

Giao dịch của CEO HDBank được thực hiện trước khi ngân hàng này công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Trong đó, ban lãnh đạo HDBank sẽ đệ trình lên cổ đông kế hoạch phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 5.031 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng trình kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỷ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92% và 22,2%.

https://cafef.vn/soi-dong-giao-dich-co-phieu-ngan-hang-cua-co-dong-noi-bo-truoc-them-dai-hoi-20220414101011745.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...