Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rà soát bãi bỏ các thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Ngày 23/5, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế năm 2023, nâng cao hiệu quả các Chỉ số cải cách hành chính (PAR - INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, kết quả các chỉ số đạt được trong năm 2023 của tỉnh tiếp tục nằm trong tốp cuối của cả nước. Kết quả các chỉ số đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân dẫn đến kết quả các chỉ số thấp là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành, địa phương; đặc biệt là vai trò, nhận thức, trách nhiệm triển khai, kiểm tra giám sát của người đứng đầu chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp chưa nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ; cá biệt có một số cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu...

Ông Hoàng Xuân Ánh đề nghị, các cấp, ngành, địa phương xác định cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, cấp bách trong năm 2024. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức hiểu rõ về các nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI; đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội về thực hiện công tác cải cách hành chính tại sở, ngành, địa phương.

Các đơn vị liên quan kịp thời rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; kiến nghị bãi bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, không phù hợp, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các quy định, điều kiện không cần thiết, không hợp lý, đảm bảo thực chất. Các đơn vị tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Người đứng đầu phải kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức thường xuyên để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc hẹn giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện số hóa các giấy tờ, thủ tục hành chính, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến kết quả các chỉ số thấp như: trình độ ứng dụng, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân trong giải quyết công việc với chính quyền còn hạn chế, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn nên mức độ thu hút đầu tư và cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế so với các địa phương khác; khả năng tự chủ về kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế… Việc bố trí, đầu tư cơ sở vật chất cho nhiệm vụ cải cách hành chính ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 81,98% (xếp hạng 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 7,59/10 điểm (tăng 0,16 điểm, xếp thứ hạng 61/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công tăng 25 bậc so với năm 2022 (xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt 62,65 điểm, tăng 3,07 điểm so với năm 2022 (xếp hạng 61/63 tỉnh, thành phố)./.

Chu Hiệu


Tác giả: Chu Văn Hiệu
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết