Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, công nghệ cao
Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, sinh thái, thời gian qua, huyện Thanh Oai (Hà Nội) tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân.
Triển khai nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình tại huyện Thanh Oai chuyển sang xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Những mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn bảo vệ môi trường, giúp Thanh Oai hướng đến phát triển kinh tế xanh.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh Lê Thị Xiêm cho biết: Toàn xã hiện có hơn 396ha trồng lúa, chiếm 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, hợp tác xã được huyện và ngành nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao, gồm các giống: Bắc Thơm số 7, lúa thơm 225, ST 25 theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn. Mô hình cũng có sự tham gia của doanh nghiệp, nên đầu ra sản phẩm luôn được bảo đảm.
“Sau mỗi vụ thu hoạch, hầu hết lượng gạo sản xuất ra đều được các doanh nghiệp thu mua và hợp tác xã là đầu mối kết nối tiêu thụ cho bà con. Với sản lượng lúa cả năm đạt hơn 3.700 tấn, hợp tác xã thu được hơn 50 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” của hợp tác xã đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, nên các siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp đặt mua ngày một nhiều”, bà Lê Thị Xiêm chia sẻ.
Sản phẩm “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai” |
Hay như mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Lê Hữu Giang ở xã Hồng Dương, đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp bảo vệ môi trường. Từ số lượng vài nghìn con gà ban đầu, năm 2020, ông Giang đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Khu chăn nuôi gà đẻ trứng được xây dựng hoàn toàn khép kín, với hệ thống chuồng nuôi, ấp trứng hiện đại. Toàn bộ các công đoạn gần như tự động hoàn toàn, có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ cho từng khu riêng biệt. Trung bình mỗi ngày, trang trại nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Giang bán ra thị trường hàng nghìn quả trứng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trang trại của gia đình ông đã được chứng nhận quy trình sản xuất, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Trên đây là hai trong rất nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất theo chuỗi cho giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường tại huyện Thanh Oai. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Nguyễn Doãn Thắng cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 12 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: Mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Kim Bài, diện tích 225m2; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Dân Hòa 3,4ha; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo chương trình VietGAP ở xã Hồng Dương, quy mô 30.000 con và xã Liên Châu có quy mô 30.000 con gà đẻ trứng, 10.000 con gà thịt…
Ngoài ra, huyện duy trì và phát triển 3 chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước); chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng); chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu). Đáng chú ý, từ sự chuyển dịch kể trên, đến nay, Thanh Oai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung phát triển theo hướng VietGAP và hữu cơ như: Vùng sản xuất lúa diện tích 6.453ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng trồng rau an toàn hơn 100ha; vùng nuôi trồng thủy sản 300ha...
Đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) |
Định hướng sản xuất của nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Thanh Oai, ông Đoàn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhấn mạnh: Thời gian tới, Thanh Oai cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp; khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn.
Với định hướng lên quận trong giai đoạn 2026 - 2030, Thanh Oai cần điều chỉnh một số quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và điều kiện phát triển của huyện. Đối với nông nghiệp, huyện tập trung xây dựng thành công các mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm, nghỉ dưỡng theo chuỗi.
Mục tiêu các mô hình hướng tới là những cánh đồng ven sông được tổ chức thành những làng sinh thái, công viên nghỉ dưỡng kết hợp với canh tác nông nghiệp đô thị. Các mô hình sản xuất theo đó cũng phải là những mô hình nông nghiệp xanh, công nghệ cao, khép kín, có giá trị… Do đó, huyện cần đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất, có chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất…