Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lượng lớn tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao sắp đáo hạn liệu có chảy vào chứng khoán?

Theo chuyên gia, mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm nhưng tiền vào chứng khoán mạnh mẽ là khó xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.

Lượng lớn tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao sắp đáo hạn liệu có chảy vào chứng khoán?

Thời điểm cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi liên tục tăng cao kích hoạt lượng lớn dòng tiền chảy vào hệ thống các ngân hàng, trong đó chủ yếu là tiền gửi ở kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm. Hiện tại, các khoản tiền gửi lãi suất cao với kỳ hạn nửa năm đang gần tới thời điểm đáo hạn, trong khi đó lãi suất huy động đang giảm nhiệt rõ rệt trước động thái quyết liệt của NHNN.

Lượng lớn tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao sắp đáo hạn liệu có chảy vào chứng khoán? - Ảnh 1.

Lãi suất tái cấp vốn của NHNN

Lãi suất bớt phần hấp dẫn, nhiều người kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sắp đáo hạn sẽ chuyển dịch sang các tài sản rủi ro cao hơn như bất động sản và chứng khoán. Trong khi thị trường BĐS được dự báo khó hồi phục trong ngắn hạn khi những nút thắt chưa được gỡ bỏ, chứng khoán được dự báo sẽ trở thành điểm đến của dòng tiền trong thời gian tới.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm nhưng tiền vào chứng khoán mạnh mẽ là khó xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn. Giải thích về quan điểm, vị chuyên gia đưa ra hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, ông Huy dựa trên lý thuyết triển vọng được Kahneman và Tversky đưa ra. Lý thuyết này dựa trên các bằng chứng thực nghiệm cho thấy con người có những hành vi trái ngược với lý thuyết hữu dụng kỳ vọng. Trong đó, hàm hữu dụng trong lý thuyết triển vọng giải thích cách NĐT ra quyết định trong miền lời và miền lỗ. Trong miền lời, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm rủi ro, trong khi ở miền lỗ nhà đầu tư thường có xu hướng né tránh rủi ro.

Sau năm 2022 nhiều đau thương, đa phần nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn đang ở miền lỗ, thậm chí là miền lỗ nặng. Do đó hành vi chung là vẫn đang né tránh rủi ro. Việc lãi suất tiết kiệm giảm 1-2% vẫn mang lại mức độ hấp dẫn cao hơn so với chứng khoán.

Ở thời điểm này, mức lợi nhuận cao kỳ vọng của chứng khoán không đủ để bù đắp cho xác suất có thể lỗ khi tham gia. Đa phần nhà đầu tư vẫn ưa thích sự chắc chắn hơn dù lãi suất thấp và gửi tiết kiệm đáp ứng được điều đó.

Thứ hai, theo quan sát, chuyên gia nhận thấy không có tiền mới tham gia thị trường, chủ yếu tiền cũ và có xu hướng dùng margin cao hơn hoặc tăng tỷ trọng đôi chút. Kênh chứng khoán và tiết kiệm hiện tại có một bức tường ngăn cách lớn, rào cản lớn nhất chính là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư từng chịu thua lỗ nặng nề.

Để tiền từ tiết kiệm vào chứng khoán, ông Huy cho rằng cần đáp ứng một số điều kiện như (1) Lãi suất tiết kiệm phải cực thấp trong thời gian đủ lâu (kỳ hạn 6 tháng khoảng dưới 5%). (2) Thị trường phải cho kiếm lời tốt trong khoảng thời gian đủ lâu để tiền cũ tự tin tham gia và tạo sóng FOMO cho tiền ngoài. (3) Xác suất lỗ khi đầu tư chứng khoán được cảm nhận là xuống thấp và đó là khi bối cảnh vĩ mô “sáng” trở lại.

Tựu chung lại, chuyên gia DSC cho rằng nhà đầu tư sau khi trải qua biến động năm 2022 vẫn chưa đủ tự tin để quay trở lại, còn những nhà đầu tư mới hoàn toàn cũng sẽ không tham gia thị trường trong thời điểm này. Do đó, ít nhất trong 6 tháng đến 1 năm tới dòng tiền chủ đạo vẫn là tiền cũ.

Lượng lớn tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao sắp đáo hạn liệu có chảy vào chứng khoán? - Ảnh 2.

Nhìn nhận trên một phương diện khác, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV cho rằng lượng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao đáo hạn trong thời gian tới rất có thể sẽ chảy vào kênh chứng khoán. Tuy nhiên, lượng tiền tiết kiệm có chảy nhiều vào thị trường hay không cần xem xét thêm về lãi suất thực (lãi suất huy động trừ đi lạm phát kỳ vọng).

Cuối năm ngoái, lạm phát kỳ vọng lên mức rất cao dù lạm phát thực chỉ có 5%. Do đó, mức lãi suất huy động lên đến 8-9% mới đủ hấp dẫn với dòng tiền. Ở thời điểm hiện tại, lạm phát kỳ vọng đã xuống mức thấp và lạm phát thực công bố chỉ khoảng 2,4%. Do đó, mức lãi suất huy động tầm 5-6% cũng đã đủ hấp dẫn dòng tiền trong thời điểm hiện tại.

“Lãi suất thực dương thấp hơn so với cuối năm ngoái, nhưng không thấp hơn quá nhiều khi so lãi suất huy động với kỳ vọng. Do đó, khả năng dòng tiền đáo hạn chảy vào thị trường chứng khoán vẫn có, song chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều. Bởi kênh huy động vẫn có sự hấp dẫn nhất định trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt nhanh” , ông Trần Đức Anh cho biết.

Mặt khác, Giám đốc vĩ mô KBSV cho rằng định giá thị trường không quá rẻ mà đang ở mức phù hợp trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận suy yếu. Định giá thị trường chỉ rẻ hơn khi những chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng giúp nền kinh tế và doanh nghiệp hồi phục trong thời gian tới.

Để dòng tiền trở lại thị trường, chuyên gia cho rằng cần quan sát ba yếu tố (1) Xu hướng lãi suất, lãi suất giảm sẽ kích hoạt dòng tiền chảy vào chứng khoán, nhưng sẽ có độ trễ nhất định. (2) Rủi ro TPDN đáo hạn trong thời gian tới, nếu qua giai đoạn này không có sự đổ vỡ nào quá lớn thì khả năng dòng tiền sẽ tự tin quay trở lại thị trường hơn. (3) Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ kích hoạt dòng tiền thông minh quay trở lại.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...