Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra?

Áp lực bán ròng của khối ngoại đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên nhiều ETF lớn trong khi các quỹ chủ động không còn nhiều dư địa để giải ngân.

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra?

“Sell in May, go away” có lẽ là thuật ngữ mô tả gần chính xác nhất giao dịch khối ngoại thời gian gần đây. 4 phiên liên tiếp vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đều bán ròng hàng trăm tỷ qua kênh khớp lệnh trên HoSE.

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ có đúng 4/15 phiên khối ngoại mua ròng khớp lệnh trên HoSE tuy nhiên phiên gom mạnh nhất cũng chưa đến 120 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu tháng của nhà đầu tư nước ngoài đã lên đến gần 2.700 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Áp lực bán ròng một phần đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn. Điển hình là bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) và DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30) của Dragon Capital đều bị nhà đầu tư Thái Lan xả hàng mạnh qua chứng chỉ lưu ký (DR) thời gian gần đây.

Lượng chứng chỉ quỹ FUEVFVND trong tay người Thái đã giảm khoảng 20 triệu đơn vị so với đỉnh điểm hồi giữa tháng 2, xuống mức thấp nhất trong vòng gần nửa năm. Tương tự, nhà đầu tư Thái Lan đã bán ra hơn 42 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trong khoảng 3 tháng trở lại đây qua đó giảm sở hữu xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra? - Ảnh 2.

Lượng DR dựa theo DCVFM VNDiamond ETF

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra? - Ảnh 3.

Lượng DR dựa theo DCVFM VN30 ETF

Fubon ETF là cái tên được chờ đợi sẽ “gánh” dòng vốn ngoại khi đang trong đợt huy động bổ sung lần 5 để mua cổ phiếu Việt Nam. Tuy nhiên, dù mới đi được khoảng 60% chặng đường của đợt gọi vốn này nhưng quỹ ngoại này đã cho thấy dấu hiệu giải ngân chững lại rõ rệt thời gian qua, thậm chí một số thời điểm còn bị rút ròng.

Động thái bán ròng nhiều khả năng còn đến từ các quỹ chủ động khi trước đó đã “ôm” một lượng lớn cổ phiếu và gần như không còn dư địa tiền mặt để giải ngân thêm. Điển hình như VEIL - Dragon Capital, tỷ trọng tiền mặt của quỹ tại thời điểm đầu tháng 5 chỉ chưa đến 1,5% NAV, chỉ cao hơn đôi chút so với vùng thấp nhất lịch sử 0,5-0,6% (có thể coi là ngưỡng tối thiếu). Không loại trừ khả năng, VEIL đã mạnh tay bán bớt cổ phiếu gần đây và xu hướng này có thể còn tiếp diễn.

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra? - Ảnh 4.

Đà bán ròng có thể tiếp diễn

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong bối cảnh nhiều cổ phiếu, đặc biệt là trong nhóm midcap và penny đã tăng rất mạnh thời gian gần đây. Áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng là điều không quá khó hiểu.

Thêm nữa, định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn sau mùa báo cáo tài chính quý 1 với tổng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết (theo ước tính của VNDirect) giảm 18,1% so với cùng kỳ. P/E của VN-Index hiện đang dừng ở mức 12,x lần, cao hơn nhiều so với thời điểm xuống đáy dài hạn hồi giữa tháng 11 năm ngoái.

Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra? - Ảnh 5.

Ngoài ra, việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất gần đây có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp trong chưa đầy 2 tháng trở lại đây. Theo SGI Capital, động thái này có thể tạo hiệu ứng tiêu cực về dòng vốn nước ngoài thời gian tới.

Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ mang tính chất thời điểm và dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại khi thị trường bước qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận. 2 quý vừa qua, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm rất mạnh trong khi chi phí vốn mặc dù giảm nhưng không theo kịp.

Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO Wi Group, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý 2, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu ghi nhận tăng trưởng nhẹ trở lại. Đây cũng là thời điểm mà chi phí vốn sẽ giảm nhanh và duy trì ở mặt bằng thấp. Điều này có thể sẽ hỗ trợ diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...