Gạt phăng niềm tin phong thủy để "săn món hời": Xu hướng mua bất động sản bị "ám" nở rộ ở Hồng Kông
Cuộc khảo sát mới cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của những bất động sản được cho là bị "ám".
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, thị trường bất động sản của Hồng Kông (Trung Quốc) đang rơi vào tình trạng khó khăn, quay cuồng với lãi suất thế chấp gia tăng và nền kinh tế gặp nhiều thách thức do các biện pháp hạn chế đại dịch Covid-19.
Giữa tình hình như hiện tại, xuất hiện một xu hướng mới trong giới mua bán bất động sản Hồng Kông: kinh doanh các mặt hàng bất động sản được cho là bị ám. Những căn nhà được cho là bị "ám" khi ở đó xảy ra những cái chết bất thường. Những cái chết này có thể là do tai nạn, bị kẻ xấu hãm hại,...
Theo truyền thống, người Hồng Kông thường sẽ nói không với những bất động sản được quan niệm là bị "ám" do những quan niệm về phong thủy.
SCMP đưa tin, người Hồng Kông quan niệm, những cái chết bất thường sẽ tạo ra năng lượng tiêu cực trong căn nhà và tác động xấu đến giá trị của tài sản.
Khảo sát chỉ ra xu hướng mới
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới của Citibank đã tiết lộ rằng, ngày càng có nhiều người sẵn sàng bỏ đi quan niệm về phong thủy trước đây để săn được một căn nhà giá rẻ.
Hơn 40% người được khảo sát cho biết họ sẽ nghiêm túc cân nhắc tới việc mua một ngôi nhà bị "ám" và hơn 70% người trong số đó tin rằng mức chiết khấu của những mặt hàng này nên là 30%.
Asif Ghafoor, giám đốc điều hành của Spacious – một nền tảng mua bán bất động sản có hẳn một mục dành cho các tài sản bị ám - cho biết, những tài sản như vậy ở Hồng Kông hiện đang rất hấp dẫn. "Đối với một số người, đây là loại mặt hàng cần tránh xa. Tuy nhiên đối với những người khác, đây là lại cơ hội để săn được một món hời."
Giá của những căn nhà được cho là bị "ám"
Theo một nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) có tên: "Sự lan tỏa về mặt giá cả: Những căn nhà bị ám" chỉ ra: một cái chết bất ngờ trong căn hộ có thể khiến giá bán của căn nhà giảm khoảng 20% - và ảnh hưởng không chỉ tác động đến mỗi căn nhà được coi là bị "ám"."
Một trong những tác giả của nghiên cứu, giáo sư Utpal Bhattacharya của HKUST, cho biết hiệu ứng dây chuyền có thể khiến những tài sản lân cận (như cùng một tầng, trong cùng một khối hoặc trên cùng một khu đất) bị ảnh hưởng.
Trung bình, các căn hộ cùng tầng với căn hộ được cho là bị ám sẽ bị giảm giá khoảng 9,7%. Giá trung bình của các bất động sản trong cùng một khu nhà sẽ giảm 7,1%, giá các căn hộ trong cùng khu đất sẽ bị giảm 1,4%.
Giám đốc Ghafoor cho biết ví dụ điển hình nhất mà ông từng chứng kiến kể từ khi điều hành Spacious là trường hợp của Rurik Jutting, một chủ ngân hàng đầu tư người Anh, người bị kết tội giết hại hai phụ nữ Indonesia trong một khu căn hộ ở Wan Chai (Hồng Kông) vào năm 2014.
Rurik Jutting (bên phải) khi bị bắt. Ảnh: SCMP
"Tôi tin rằng căn hộ của anh ấy đã bị giảm giá 50%. Tôi cũng hiểu được rằng ngân hàng sẽ không chấp nhận các khoản cho vay với tài sản thế chấp là các bất động sản đã xảy ra sự cố bởi đây được coi là những tài sản mang tính rủi ro cao. Vì vậy, nhiều tài sản trong số này cần phải được mua bán bằng tiền mặt, điều này ảnh hưởng đến giá của chúng."
Ông cho biết, mọi người vẫn quan tâm đến những tai nạn bất thường xảy ra trong một căn nhà trước khi mua nó: "Đó là điều chắc chắn. Nhất là khi họ phải biết được những ảnh hưởng của các tai nạn này đến việc họ có thể bán lại nó với giá bao nhiêu trong tương lai."
Ông Ghafoor nói thêm: "Đối với những người trẻ tuổi ít mê tín hơn, săn những căn nhà được cho là bị ám là cơ hội để mua được một món hời. Nhưng đối với những người Trung Quốc lớn tuổi, đây vẫn là điều họ sẽ tránh."
Vào tháng 7, gã khổng lồ bất động sản Hồng Kông Hopewell Holdings đã trình lên kế hoạch chuyển đổi một trong những bất động sản bị "ám" nổi tiếng nhất của thành phố - Nam Koo Terrace - thành một dự án khu dân cư và bán lẻ trị giá 3,6 tỷ đô la Hồng Kông (462 triệu đô la Mỹ).
Thúy
Nhịp sống thị trường