Cổ phiếu chứng khoán bất ngờ đi ngược thị trường dù lợi nhuận tụt dốc, điều gì đang diễn ra?
Cổ phiếu chứng khoán đồng loạt “bốc đầu” ngay sau khi số liệu báo cáo tài chính quý 1/2023 được công bố với lợi nhuận của một loạt tên tuổi sụt giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch cuối tuần với sắc đỏ chiếm ưu thế trên diện rộng. Hầu hết các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, dầu khí, thép, hoá chất, phân bón, bán lẻ,… đều chưa thoát nhịp điều chỉnh. Trong bối cảnh đó, nhóm chứng khoán lại gây bất ngờ khi đồng loạt đua xanh, tím. Một số cổ phiếu còn hút tiền khá mạnh có thể kể như SSI, MBS, AGR, ORS,…
Sau khi giảm mạnh trong quý 4 năm ngoái, nhu cầu sử dụng đòn bẩy margin của nhà đầu tư vẫn còn rất hạn chế. Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán chỉ nhích nhẹ sau quý đầu năm nay, ước tính vào khoảng 123.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 118.000 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3.000 tỷ so với cuối năm 2022, còn lại là ứng trước tiền bán. Nhu cầu vay của nhà đầu tư tăng chậm phần nào đã ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường và các nguồn thu quan trọng đối với các công ty chứng khoán.
Thực tế, tăng trưởng lợi nhuận thấp của nhóm chứng khoán là điều đã được dự báo từ trước. Một phần do bối cảnh thị trường chung ảm đạm, một phần do nền so sánh rất cao cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn khó khăn chưa từng thấy trong quý 4 trước đó, lợi nhuận của hầu hết các công ty chứng khoán đã có sự cải thiện phần nào. Điều này mang đến kỳ vọng về việc lợi nhuận đã tạo đáy và có thể tăng trưởng trở lại trong các quý tới.
Một yếu tố quan trọng đang ủng hộ triển vọng trên là xu hướng giảm lãi suất đang ngày càng rõ rệt. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng bắt đầu có những phản ứng tích cực. Dù chưa thực sự bùng nổ nhưng thanh khoản đã có dấu hiệu cải thiện với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE từ đầu tháng 4 đạt hơn 10.400 tỷ đồng/phiên, cao hơn 30% so với tháng trước.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng nhìn nhận xu hướng lãi suất giảm sẽ tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán. “Nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán với mong muốn tìm kiếm tỉ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường. Dù vậy, điều này phụ thuộc nhiều vào “khẩu vị” rủi ro của mỗi nhà đầu tư” - chuyên gia này nhận định.
Thêm nữa, nỗ lực của cơ quan quản lý cùng các công ty chứng khoán trong việc sớm đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào hoạt động cũng đem đến hy vọng cho các cổ đông ngành chứng khoán. Hệ thống mới sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường vốn được nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi trong suốt nhiều năm qua.
Mặt khác, tín hiệu lạc quan đang xuất hiện nhiều hơn nhưng thách thức trong ngắn hạn vẫn còn không ít với các công ty chứng khoán bởi những biến động khó lường của thị trường. Ngoài ra, hầu hết các cổ phiếu nhóm này cũng đều đã tăng rất mạnh kể từ đầu tháng 3. Nếu so với đáy dài hạn hồi giữa tháng 11/2022, một số cái tên thậm chí đã tăng bằng lần. Vì thế, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “đua lệnh”.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường