Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần chính sách hỗ trợ tiêu dùng- động lực cho tăng trưởng kinh tế

Tiêu dùng - một trong ba chân kiềng của tăng trưởng kinh tế. Làm mới động lực tăng trưởng lớn nhất này đòi hỏi cần chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tiêu dùng đóng góp trên 63% vào GDP

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Trong quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.686,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%).

TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, trong cơ cấu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (GDP), đầu tư chiếm hơn 30%, tiêu dùng chiếm trên 63% và còn lại là xuất nhập khẩu. Điều này đánh giá tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng rất mạnh và quyết định tăng trưởng của nền kinh tế.

Tính theo phương pháp sử dụng trong mức tăng 7,09% của GDP năm 2024, năm 2024, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 6,57%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh ước tăng 5,9%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức tăng 6,8% của năm 2023.

Trong khi đó, thời điểm trước Covid-19, tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành thời điểm này thường đạt tăng trưởng hai con số, theo giá so sánh là xấp xỉ 10%, thường ở mức 8-9%. Nhưng trong những năm vừa qua, tổng mức bán lẻ chỉ ở khoảng 5,9% đến hơn 6%. Những kết quả này đã cho thấy động lực tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế trong những năm vừa qua đã có chuyển biến nhưng rất chậm.

“Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao; niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm có giá trị lớn”, TS. Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Cần giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng

Tại Nghị quyết số 158 của Quốc hội đã thông qua về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025, dự kiến từ 6,5-7%, phấn đấu từ 7-7,5%. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình mới hiện nay theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng đã có công điện 140, trong đó yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện các kịch bản tăng trưởng để ngay trong năm 2025 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 8% và trong điều kiện thuận lợi sẽ tăng trưởng 2 con số.

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, tạo thế và lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tiêu dùng cuối cùng vẫn là động lực rất mạnh vì tiêu dùng cuối cùng chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế. Do đó, cần có các giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng.

Cũng theo TS. Nguyễn Bích Lâm, để có thể tiêu dùng, người dân phải có thu nhập. Vì vậy, cần phải có chính sách để tất cả người lao động đều có thu nhập và là thu nhập khả dụng, tức là thu nhập do bản thân làm ra hoặc do chuyển nhượng. Bên cạnh đó, cần có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng, bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ. Đồng thời, để tiêu dùng có thể tác động vào tăng trưởng chung, người dân cần tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước. Tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu hay nhập khẩu dịch vụ sẽ vô hình trung làm GDP giảm.

TS. Nguyễn Bích Lâm cũng kiến nghị Chính phủ có các chính sách để tạo việc làm, giúp người lao động tìm kiếm được việc làm và an tâm làm việc ở khu vực chính thức. Tiếp đó, cần có chính sách để người dân có thêm thu nhập cho chi tiêu, cụ thể là chính sách thuế. Theo quy định hiện hành, lạm phát của nền kinh tế trong nhiều năm phải khoảng 20% thì mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, với mức lạm phát được kiểm soát trong khoảng 3% như hiện nay, nếu chờ đợi đến khi lạm phát rất cao mới điều chỉnh thì mức thuế giảm trừ gia cảnh đã ảnh hưởng nhiều đến thuế thu nhập của gia đình. Vì vậy, cần phải có chính sách thuế phù hợp và có thể áp dụng cho từng tầng lớp dân cư từ thu nhập thấp, trung bình tới cao.

Về giải pháp để sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng và có giá thành phù hợp, TS. Nguyễn Bích Lâm kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cả trong việc đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, thương mại vẫn phụ thuộc rất lớn vào hình thức truyền thống, cụ thể là các chợ truyền thống. Thời gian tới, cần đẩy mạnh các hình thức thương mại hiện đại và thương mại điện tử. Ngoài ra, ông Lâm kiến nghị Chính phủ có những chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, chính sách tín dụng cho tiêu dùng.

“Cần có những giải pháp đồng bộ trên các mảng lớn để tăng thu nhập, tăng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, sản phẩm đa dạng, đồng thời phát triển cả ba hệ thống thương mại. Có như vậy mới có thể kích cầu tiêu dùng”, TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số, tối thiểu là 10%, thì phải có động lực, các giải pháp, cũng như các yếu tố nào? Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 diễn ra tại Hà Nội chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm thông tin, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế - một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao thì việc tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Một trong những giải pháp được ông Nguyễn Đức Tâm đề cập đến đó là điều hành chính sách tiền tệ, tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, trong năm 2024, chúng ta thực hiện rất nhiều việc liên quan đến miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đến thời điểm hết năm khoảng 197 nghìn tỷ đồng. Cuối năm chúng ta vẫn thực hiện việc tăng thu, dự kiến đến nay khoảng 337 nghìn tỷ đồng. Điều đó cho thấy nếu chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ thực hiện thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn. Đây là một trong những giải pháp trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện.

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đến hết tháng 6/2025 cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà đây là việc hỗ trợ ngay cho người dân, người dân có thể mua được hàng hóa nhiều hơn, thực hiện kích cầu trong nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định năm 2025 sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện. Trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, phấn đấu thu hút 120-130 triệu lượt khách du lịch trong nước và khoảng 20 triệu khách du lịch quốc tế. Đây là một trong những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...