Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến động "của để dành" tại doanh nghiệp bất động sản nửa đầu năm 2024

Vinhomes, Novaland vẫn là những đại gia bất động sản tích lũy "của để dành" lớn nhất trong khi Tập đoàn Hà Đô hay Bất động sản An Gia sụt giảm mạnh khoản người mua trả tiền trước.

Khi thị trường chưa hồi phục rõ nét trong nửa đầu năm, các khoản "của để dành" được coi như tài sản tích lũy, là nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo.

Thống kê sơ bộ với khoảng 115 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cho thấy, Vinhomes và Novaland vẫn dẫn đầu về tích lũy "của để dành".

Cụ thể, CTCP Vinhomes (mã: VHM) sở hữu hơn 47.400 tỷ đồng "của để dành", tăng 30% so với đầu năm. Hồi tháng 3/2024, Vinhomes đã mở bán dự án Royal Island (Hải Phòng). Thống kê của Chứng khoán Vietcap cho biết, tính đến cuối quý II khoảng 2.800 căn nhà tại dự án này đã được bán lẻ cho khách hàng cá nhân, tương đương 90% tổng số căn được mở bán. Giá trị hợp đồng bán hàng đạt 51.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng chưa ghi nhận đạt 118.700 tỷ đồng tính đến cuối quý II. Ban lãnh đạo Vinhomes kỳ vọng 55% doanh số bán hàng chưa ghi nhận sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm.

Tiếp đến, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) sở hữu 19.700 tỷ đồng người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện, tăng 3% so với đầu năm.

Xếp thứ ba là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP, sàn HoSE) sở hữu 11.894 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện tăng 5% sau 6 tháng đầu năm. 

Biến động 'của để dành' tại doanh nghiệp bất động sản nửa đầu năm 2024- Ảnh 1.

Nguồn: SIP

Thứ tư là Tổng công ty Idico - CTCP (mã IDC) với 5.869 tỷ đồng, tăng 3% sau nửa đầu năm. Đóng góp lớn nhất đến từ doanh thu chưa thực hiện bao gồm tiền thuê đất nhận trước từ các khu công nghiệp chiếm 4.523 tỷ đồng, riêng KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng đã chiếm 2.600 tỷ đồng.

Biến động 'của để dành' tại doanh nghiệp bất động sản nửa đầu năm 2024- Ảnh 2.

Nguồn: IDC

Thứ năm là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) với 4.754 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Năm nay, NLG đặt mục tiêu tham vọng với doanh số bán hàng hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước đến từ dự án Akari City, Mizuki Park, Southgate và dự án Nam Long 2 – Cần Thơ.

Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã: NTL) ghi nhận tổng cộng "của để dành" 549 tỷ đồng, gấp 30 lần so với đầu năm. Nguyên nhân của sự đột biến này là khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn hơn 538 tỷ đồng phát sinh cuối quý II, trong khi đầu năm không có.

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít doanh nghiệp sụt giảm giá trị "của để dành" tới hai chữ số. Giảm mạnh nhất có lẽ là CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) giảm 92% tổng giá trị về chỉ còn hơn 19 tỷ đồng. Nguyên nhân do các khoản trả trước theo hợp đồng chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh. 

Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã: AGG) bất ngờ báo giảm của để dành tới 60% so với đầu năm về còn 767 tỷ đồng. Trong đó, số tiền khách hàng cá nhân trả trước để mua căn hộ dự án đã giảm hơn 69%, từ hơn 1.500 tỷ đồng xuống còn hơn 469 tỷ đồng. Số tiền trả trước của bên liên quan cũng giảm 19%, về 297 tỷ đồng.

Hay như, CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) giảm tới 76% khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn + doanh thu chưa thực hiện về còn 258 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong kỳ VPI đã bán Công ty Hùng Sơn – chủ đầu tư dự án Vlasta Sầm Sơn nên không còn ghi nhận khoản tạm ứng mua phần vốn góp công ty con trị giá 700 tỷ đồng như hồi đầu năm. Bên cạnh đó, giá trị khách hàng tạm ứng trước tại dự án The Terra - Bắc Giang cũng giảm từ 264 tỷ đồng về 236 tỷ đồng.

Theo Hà Ly


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...