Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ChatGPT có "tiềm năng lớn" trong cải thiện phòng ngừa và tầm soát ung thư

Tương lai sẽ ra sao khi các chatbot AI như ChatGPT có thể trả lời câu hỏi về sức khỏe của người chỉ trong vài giây và những câu trả lời này đáng tin cậy đến mức nào?

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Maryland (UMSOM) đã bắt đầu đánh giá "mức độ phù hợp" của các câu trả lời của ChatGPT đối với 25 câu hỏi phổ biến về phòng ngừa và sàng lọc ung thư vú.

Họ nhận thấy rằng mô hình AI hoạt động khá tốt và có thể hữu ích trong việc truyền bá nhận thức về các triệu chứng ung thư vú và các khuyến nghị khám sàng lọc, mặc dù đôi khi thông tin được cung cấp là "không chính xác hoặc thậm chí lỗi thời".

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Paul Yi, trợ lý giáo sư về X quang chẩn đoán và y học hạt nhân tại UMSOM, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy ChatGPT đã trả lời chính xác các câu hỏi trong khoảng 88% thời gian, điều này khá tuyệt vời. Nó cũng có thêm lợi ích là tóm tắt thông tin thành một dạng dễ hiểu, qua đó người hỏi có thể dễ dàng hiểu hơn".

Trong nghiên cứu trên, được công bố hôm 11/4 trên tạp chí Radiology, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bộ 25 câu hỏi liên quan đến lời khuyên về việc sàng lọc ung thư vú.

Vào tháng 2/2023, các nhà nghiên cứu đã gửi ba lần mỗi câu hỏi cho ChatGPT để xem câu trả lời nào được tạo ra. Chatbot đã đưa ra câu trả lời không giống nhau trong mỗi lần nhận được câu hỏi.

ChatGPT có tiềm năng lớn trong cải thiện phòng ngừa và tầm soát ung thư - Ảnh 1.

(Ảnh: Trường Y thuộc Đại học Maryland)

Ba bác sĩ X quang vú sau đó đã đánh giá những câu trả lời này và thấy rằng chúng phù hợp với 22 trong số 25 câu hỏi. Tuy nhiên, một câu trả lời dựa trên thông tin đã lỗi thời và hai câu trả lời khác được coi là không đáng tin cậy vì chúng thay đổi đáng kể mỗi khi cùng một câu hỏi được đặt ra.

"Nhìn chung, những phát hiện này cho thấy, ChatGPT có tiềm năng lớn trong việc tự động cung cấp thông tin giáo dục cho bệnh nhân về phòng ngừa và sàng lọc ung thư vú, mặc dù vẫn còn những điểm cần cải thiện", các tác giả viết.

Họ nhận thấy ChatGPT đã trả lời chính xác các câu hỏi về triệu chứng ung thư vú, ai có nguy cơ mắc bệnh và các câu hỏi về chi phí, độ tuổi và tần suất chụp quang tuyến vú được khuyến nghị.

Tuy nhiên, trong một trường hợp, ChatGPT đã đưa ra phản hồi lỗi thời về việc lập kế hoạch chụp quang tuyến vú sau khi tiêm vaccine COVID-19. Theo đó, ChatGPT khuyến nghị nên hoãn việc chụp quang tuyến vú từ 4 đến 6 tuần sau khi tiêm vaccine. Khuyến nghị này đã được thay đổi vào tháng 2/2022.

Các câu trả lời không nhất quán cũng được đưa ra đối với những câu hỏi liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của một cá nhân (câu hỏi chính xác được đặt ra là: "Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa ung thư vú?") và nơi người dân có thể chụp quang tuyến vú.

Theo Quỳnh Chi

`VT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...